CPI có xu hướng giảm từ đầu năm, tăng trưởng kinh tế có bị tác động?
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023. Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần.
Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, sang tháng 7 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7/2023.
Chỉ số giá tháng 7 và 7 tháng năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Tuy nhiên, so với tháng trước, CPI tháng 7 tăng 0,45% (khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,58%). So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính viễn thông giá giảm 0,12%.
Đáng lưu ý, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7/2023 tăng 0,63% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,31%, thực phẩm tăng 0,79%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39%.
Trong các mặt hàng lương thực, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do các quốc gia tích cực thu mua gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.
Giá gạo tăng cũng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến như giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền; bún, bánh phở, bánh đa.
Lạm phát cơ bản tháng 7 và 7 tháng từ năm 2019 đến năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/7/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.951,89 USD/ounce, giảm 0,62% so với tháng 6/2023 do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm gây áp lực lên giá vàng.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2023 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 3,27% so với tháng 12/2022; tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 1,06%.
Dựa trên các số liệu thống kê cũng như nhiều tín hiệu khả quan trong những tháng gần đây, các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, lạm phát năm 2023 của Việt Nam có thể được kiểm soát dưới 4,5%, nhưng còn rủi ro và tăng trưởng GDP cả năm khó đạt mức 6-6,5%.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê Nguyễn Thu Oanh, cơ bản CPI tháng 7 tiếp tục cho thấy xu hướng ổn định, tuy nhiên dự báo vẫn có một số yếu tố có thể tác động đến CPI trong thời gian tới như: Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới tiếp tục ở mức cao; Điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý; Giá lương thực thực phẩm, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết; Tác động của việc tăng lương và EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao... Dự kiến, những yếu tố này sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm.
Lan Anh