Giá thực phẩm và điện lên cao đẩy CPI tháng 7 tăng lên 0,45%
Giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa hè, mùa du lịch là những nguyên nhân chính làm chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng đáng kể.
Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% (khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,58%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính viễn thông giá giảm 0,12%.
Giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa hè, mùa du lịch là những nguyên nhân chính làm CPI nhích lên đáng kể.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63% (làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm). Trong đó: Lương thực tăng 0,31% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,79% (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39% (tác động làm CPI tăng 0,03 điểm phần trăm) do nhu cầu tăng cao theo mùa du lịch.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023; giá dầu hỏa tăng 3,44% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 03/7/2023, 11/7/2023 và 21/7/2023; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%.
Riêng nhóm bưu chính viễn thông có CPI giảm 0,12% do điện thoại di động và cố định thế hệ cũ giảm.
Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản./.
Dương Định (T/H)