0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 06/06/2024 11:47 (GMT+7)

Cần minh bạch và xử lý nghiêm việc “trục lợi” từ nhà ở xã hội

Theo dõi KT&TD trên

Tỉnh Bắc Ninh thời gian qua được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về mô hình phát triển nhà ở xã hội, góp phần giúp “an cư” cho hàng nghìn người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, một số đối tượng đã cố tình lợi dụng những ưu đãi từ chính sách để “trục lợi”.

Cần minh bạch và xử lý nghiêm việc “trục lợi” từ nhà ở xã hội
Dự án nhà ở xã hội D-Green Park do Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam làm chủ đầu tư.

Mua nhà ở xã hội rồi đem cho thuê có phải “trục lợi” chính sách?

Trong quá trình làm việc với nhân viên kỹ thuật tòa nhà D-Green Park, đồng thời cũng là cư dân sinh sống tại đây, phóng viên được biết, chung cư D-Green Park có khá nhiều căn hộ là khách thuê nhà không phải chính chủ căn hộ. Số lượng người thuê rất đông khiến cư dân cũng rất lo lắng về tình hình an ninh ở đây và mong muốn chủ đầu tư làm chặt chẽ hơn về đối tượng được ở.

Dẫn chứng cụ thể, anh Trần Văn B cư dân ở đây cho biết, có lần cư dân mang đồ đến ở, nhưng để ở sảnh mấy ngày mà không đưa vào nhà. Khi chúng tôi tìm ra số điện thoại của chủ hộ thì lại là do người thuê nhà mang đến. Anh B cho biết thêm, giá thuê ở chung cư này rơi vào tầm 7-8 triệu/tháng.

Trao đổi với một môi giới tên Nguyễn Thị V vào sáng 01/6/2024, phóng viên được môi giới này cho biết, các căn hộ ở D-Green Park có giá từ 4,5 triệu đến 10 triệu đồng/căn (căn không có đồ và căn đầy đủ nội thất sẽ có giá chênh nhau). Mà mấy hôm nay rất nhiều khách hỏi thuê. Thực tế, tại căn chung cư D-Green Park mấy tháng qua, nườm nượp các môi giới dẫn khách đi xem nhà cho thuê là có thật.

Theo khoản 3, Điều 62, Luật Nhà ở 2014: “Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này”.

Như vậy, việc cho thuê lại nhà ở xã hội chỉ cấm đối với đối tượng thuê, thuê mua theo quy định tại khoản 3 điều này, còn đối với đối tượng mua nhà ở xã hội thì chỉ giới hạn cấm chuyển nhượng trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền theo quy định tại khoản 4,5,6 điều này mà không giới hạn việc cho thuê lại.

Cần minh bạch và xử lý nghiêm việc “trục lợi” từ nhà ở xã hội
Điều 12 trong Hợp đồng mua bán căn hộ nhà ở xã hội tại D-Green Park.

Nhưng theo tìm hiểu, hiện hợp đồng mua bán căn hộ nhà ở D-Green Park tại Điều 12 về chuyển giao quyền và nghĩa vụ ghi rất rõ: “Bên mua có quyền thực hiện các giao dịch như chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê để ở, tặng cho và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật về nhà ở, theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội sau khi được cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ đó”.

Điều 12 cũng nêu rõ, “Bên mua không được chuyển nhượng, thế chấp (không vì mục đích vay vốn mua căn hộ này) hoặc cho thuê duới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu 05 năm sau, kể từ thời điểm hoàn thành nghĩa vụ tài chính với bên bán”.

Mặc dù luật không cấm, nhưng theo điều khoản đã ghi rất rõ trong hợp đồng thì phải “sau khi được cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ thì người dân mới được phép cho thuê”. Do đó, việc mua nhà ở xã hội rồi cho thuê lại có đúng với sự ưu đãi từ chính sách, hay đây cũng là hiện tượng lợi dụng chính sách để “trục lợi”? Bởi, trong khi nhiều người dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp vẫn mòn mỏi mong có được một mái nhà để “an cư” còn nhiều đối tượng khác mua nhà ở xã hội giá rẻ để mang cho thuê. Câu hỏi này xin gửi tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Mua nhà ở xã hội chênh hàng trăm triệu qua môi giới

Hiện nay, có hiện tượng người dân mua nhà ở xã hội phải chi thêm hàng chục, hàng trăm triệu tiền chênh cho môi giới. Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, anh Nguyễn Văn L - chủ căn hộ tại tầng 11 của chung cư D-Green Park cho biết: Gia đình tôi không biết đến dự án D-Green Park cũng như chủ đầu tư, mà chúng tôi biết dự án này qua môi giới. Chúng tôi ký hợp đồng đặt cọc với bên môi giới để họ hỗ trợ về hồ sơ và giới thiệu gặp chủ đầu tư.

“Theo như tính toán thì số tiền mà vợ chồng anh chị phải trả cho bên môi giới chênh lên tầm 90 triệu đồng so với giá căn hộ mà chủ đầu tư bán ra” - Chị Đ vợ anh L cho biết thêm.

Điều khiến phóng viên bất ngờ là, vợ chồng anh Nguyễn Văn L lại khá thoải mái về việc mua nhà ở xã hội qua môi giới, anh L lý giải: Bản thân gia đình anh không biết đến dự án và cũng không biết làm thủ tục để mua nhà ở xã hội vì có nhiều giấy tờ phức tạp, nên nhờ hết vào môi giới hỗ trợ. Và qua môi giới thì anh mới biết đến chủ đầu tư.

Cần minh bạch và xử lý nghiêm việc “trục lợi” từ nhà ở xã hội
Hợp đồng đặt cọc giữa người dân và môi giới khi mua nhà ở xã hội tại D-Green Park: mức giá tiền chênh khoảng 100 triệu đồng so với giá bán từ chủ đầu tư.

Theo như chia sẻ của anh Nguyễn Văn L thì việc mua nhà ở xã hội qua môi giới với anh là điều bình thường, bởi nhờ môi giới nên việc làm hồ sơ với gia đình anh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính bởi suy nghĩ này của vợ chồng anh Nguyễn Văn L mà vô hình chung đã tiếp tay cho đối tượng dễ dàng “trục lợi” từ chính sách.

Trước đó, tại các dự án nhà ở xã hội Môi trường xanh phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn do chủ đầu tư là Công ty TNHH Môi trường xanh và dự án nhà ở xã hội Cao Nguyên 3 phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn do Công ty TNHH Cao Nguyên làm chủ đầu tư cũng xảy ra hiện trạng tương tự, người dân cũng phải mua nhà ở xã hội với mức giá chênh đến hàng trăm triệu đồng.

Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội là Công ty TNHH Môi trường xanh, Công ty TNHH Cao Nguyên cũng đã bị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Bắc Ninh ban hành 6 Quyết định xử phạt với mức tiền phạt dành cho mỗi chủ đầu tư là 170 triệu đồng, cùng các hành vi vi phạm: Ký hợp đồng mua bán nhà ở không đúng đối tượng; ký hợp đồng mua bán căn hộ không đảm bảo theo quy định; không cung cấp đầy đủ thông tin định kỳ hàng tháng về tình hình giao dịch bất động sản của dự án theo quy định.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, bảo đảm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, ngày 3/4/2023, tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.

Theo đó, mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn nhà ở xã hội. Được biết, hiện nay có 3 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội đó là: Hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Lãi suất vay là 4,8%; thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ; tối đa không quá 25 năm.

Gói vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/3/2023, trong đó có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; thực hiện trong giai đoạn 2023-2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.

Đến bao giờ, chính sách ưu đãi dành cho người nghèo mới thực sự đi vào cuộc sống và thực sự chạm đến đúng đối tượng? Sự hiểu biết pháp luật của người dân vẫn còn mơ hồ, bản thân bị đối tượng “trục lợi” hưởng lợi nhưng lại vô tư cho đó là điều hiển nhiên!!!

Bạn đang đọc bài viết Cần minh bạch và xử lý nghiêm việc “trục lợi” từ nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thành phố Hồ Chí Minh: Giải quyết vướng mắc cấp sổ cho 4 dự án nhà ở thương mại
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng vừa có Thông báo kết luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại 4 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.
Những nguyên tắc cần biết khi mua nhà, đất
Mua nhà đối với nhiều người là việc chỉ làm 1,2 lần trong đời, bởi vậy, khi quyết định mua nhà, đất cần nắm rõ một số nguyên tắc cơ bản trước khi thanh toán tiền mua nhà, đất để tránh những rủi ro không đáng có.
Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Dù lãi suất cho vay mua nhà duy trì mức thấp suốt hơn 1 năm qua, nhưng nghịch lý là không có nhiều người dân lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà. Thực tế là giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang, lãi suất cho vay mua nhà lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tin mới

Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.