An Giang: Hướng đến mục tiêu phát triển 6.300 căn nhà ở xã hội
UBND tỉnh An Giang vừa có Quyết định số 824/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2030. Theo Đề án này, mục tiêu giai đoạn 2021-2030 phát triển NƠXH cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là 441.000m2 sàn, tương ứng với 6.300 căn.
Nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 04 dự án phát triển nhà ở xã hội triển khai thực hiện với quy mô 5.290 căn hộ, tương đương với 449.961m2 sàn nhà ở. Trong đó có 03 dự án nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng tại thành phố Long Xuyên, 01 dự án nhà ở xã hội công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa tại huyện Châu Thành.
01 dự án đã hoàn thành Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư Tây Đại học có quy mô 392 căn với 22.204m2 sàn nhà ở; 03 dự án đang triển khai xây dựng (Nhà ở xã hội – Khu đô thị Golden City An Giang, Khu đô thị mới Tây sông Hậu, thành phố Long Xuyên, nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa - Châu Thành), có quy mô 4.898 căn với 427.757m2 sàn. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành 1.515 căn với khoảng 187.587m2 sàn nhà ở xã hội.
Theo nhận định của Đề án, việc phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được quan tâm phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực để đầu tư phát triển nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị còn thiếu, nhiều địa phương chưa có đất sạch để kêu gọi nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 2 khu công nghiệp đã đưa vào sử dụng gồm: Khu công nghiệp Bình Hòa – huyện Châu Thành và Khu công nghiệp Bình Long – huyện Châu Phú với tổng số công nhân là 21.026 người.
Qua khảo sát hiện trạng, hiện số công nhân làm việc trong khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở là rất lớn, tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển nhà ở cho công nhân thuê trong thời gian qua chưa được các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng như các chủ đầu tư khu công nghiệp chú trọng.
Tính đến nay, mới chỉ có 01 dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành được đầu tư xây dựng hoàn thành trong năm nay với số lượng căn là 637/889 căn tương ứng 89.180/106.820m2 sàn.
Trong thời gian tới, các khu công nghiệp đang mời gọi đầu tư hạ tầng gồm: Khu công nghiệp Vàm Cống (thành phố Long Xuyên), Khu công nghiệp Hội An (huyện Chợ Mới), Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) mở rộng và Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú), Khu công nghiệp Xuân Tô (huyện Tịnh Biên), Khu công nghiệp Định Thành (huyện Thoại Sơn). Vì vậy, công tác phát triển nhà ở cho công nhân trong thời gian tới cần được quan tâm, đầu tư.
Mặc dù những năm qua, An Giang có nhiều nỗ lực mời gọi đầu tư nhà ở xã hội, việc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho các đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, nhìn chung việc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyên nhân một phần là địa phương còn khó khăn trong việc tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, việc khống chế mức lợi nhuận tối đa 10% chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay việc nhà đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư nhà ở xã hội cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hướng đến mục tiêu 6.300 căn nhà ở xã hội
Toàn tỉnh An Giang hiện có 02 khu công nghiệp đang hoạt động bao gồm: Khu công nghiệp Bình Hòa, Khu công nghiệp Bình Long; Khu công nghiệp Xuân Tô đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị đi vào hoạt động. Cùng với đó là 01 khu công nghiệp dự kiến triển khai trong thời gian tới là Khu công nghiệp Vàm Cống, thành phố Long Xuyên.
Theo báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, căn cứ theo định hướng phát triển đến năm 2025, giai đoạn 2026-2030, dự báo nhóm có nhu cầu về nhà ở bao gồm: Tổng số lượng công nhân, người lao động đang làm việc tại các nhà máy là 21.026 người; trong đó khoảng 1,9% người chưa có chỗ ở, hiện đang thuê trọ tại gần nơi làm việc chất lượng còn kém, chưa đảm bảo.
Tại các khu công nghiệp, theo dự báo đến năm 2025, 03 khu công nghiệp hiện hữu thu hút khoảng 24.509 công nhân đến làm việc, trong đó 405 người có nhu cầu về nhà ở (khoảng 1,8%). Đến năm 2030, bên cạnh 03 khu công nghiệp hiện hữu, có thêm 01 khu công nghiệp mới hình thành thu hút công nhân đến làm việc; tổng số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đến năm 2030 được dự báo khoảng 34.709 công nhân; trong đó 491 người có nhu cầu về nhà ở (khoảng 1,4%).
Theo số liệu báo cáo, tổng hợp từ huyện, thị xã, thành phố, hiện nay có 13.107 cán bộ công chức, viên chức có nhu cầu về nhà ở. Dự báo đến năm 2025 có 15.000 cán bộ có nhu cầu về nhà ở, đến năm 2030 có 17.000 cán bộ có nhu cầu về nhà ở. Nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở đa phần là công chức, viên chức trong độ tuổi dưới 30, mới lập gia đình, nhóm đối tượng này phần lớn có thu nhập thấp, đều chưa sở hữu nhà ở, hoặc có sở hữu nhà ở nhưng nhà ở hư hỏng, dột nát hoặc chật hẹp (
Theo Đề án, nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu tại nhóm nhà ở công chức, viên chức, người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Trên cơ sở điều tra khảo sát, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào khu vực đô thị, tại các khu vực trung tâm phát triển của tỉnh như thành phố Long Xuyên, tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố có mật độ dân số cao, tập trung nhiều lao động thường trú dài hạn tại địa phương, những nơi có giá thành nhà ở cao, người lao động thu nhập thấp khó tiếp cận được với các loại hình sản phẩm nhà ở thương mại cũng như đất nền trong khu dân cư… nhu cầu nhà ở cũng tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như huyện Châu Thành, là trung tâm sản xuất công nghiệp đã ổn định đi vào hoạt động, được xem là vùng đệm, khu vực vệ tinh cho sự phát triển của thành phố Long Xuyên.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, An Giang tập trung trọng điểm phát triển nhà ở xã hội tại khu vực các đô thị lớn như thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tiến độ đầu tư cũng như quy định pháp luật về nhà ở xã hội trong quỹ đất 20%.
Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị trên địa bàn tỉnh để giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị. Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực các đô thị lớn và mở rộng ra các đô thị còn lại trên địa bàn tỉnh.
Phát triển và hình thành các dự án nhà ở xã hội đồng bộ về cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối thuận lợi với hệ thống hạ tầng chung của đô thị. Xem xét kết hợp thêm đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là công nhân tại các khu vực lân cận để tăng tính hiệu quả cho các dự án.
Đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân: Cùng với việc định hướng hình thành và phát triển hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, quy mô lớn, thuận lợi kế nối giao thông. Phát triển đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và hệ thống hạ tầng xã hội và các dịch vụ phục vụ người lao động.
Đến năm 2030, nâng cấp và mở rộng Khu công nghiệp Bình Hòa; triển khai xây dựng 03 khu công nghiệp đã được quy hoạch, thành lập khu công nghiệp huyện Thoại Sơn và nâng cấp, thành lập nhiều cụm công nghiệp khác, theo đó là việc phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu vực như: Trong giai đoạn 2021-2025, tập trung trọng điểm phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu vực khu công nghiệp tại huyện Châu Thành.
Thực hiện rà soát, bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để bổ sung vào Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 để kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội đáp ứng cho nhu cầu về nhà ở của công nhân tại các huyện Châu Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới, Thoại Sơn, phù hợp với định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục phát triển nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp tại huyện Châu Thành và rà soát, bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội đáp ứng cho nhu cầu về nhà ở của công nhân tại các huyện Châu Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới, Thoại Sơn, mở rộng thêm các khu vực phát triển trong và lân cận tại thành phố Long Xuyên với định hướng dự kiến phát triển khu công nghiệp Vàm Cống.
Tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 1.930 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 là khoảng 3.227 tỷ đồng.
"Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2030" với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có chất lượng môi trường sống tốt, đảm bảo an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa với lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của công nhân, người lao động có thu nhập thấp, đảm bảo nhu cầu an sinh xã hội.
Việc xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội nhằm hoạch định kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của địa phương và là một trong những nhiệm vụ quan trọng được giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó chỉ tiêu được giao đối với tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025 hoàn thành 2.500 căn và 3.800 căn cho giai đoạn 2026-2030.
UBND tỉnh An Giang giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên theo dõi việc thực hiện; kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh An Giang.