Cận cảnh khu phân lô nghìn tỷ tại "phố triệu đô" Thảo Điền
Thời gian vừa qua, giới bất động sản TP.HCM đang sôi sục tìm thông tin liên quan đến khu đất phân lô ngay tại khu "phố triệu đô" Thảo Điền. Được biết, khu đất này đang được chào bán với giá khoảng 200 triệu/m2. Vậy hiện khu đất này ra sao, có tiện ích gì?
Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM xôn xao bởi thông tin một "giỏ hàng" hơn 50 lô đất tại đường số 60, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức được môi giới chào bán ra thị trường.
Theo tìm hiểu, khu đất hơn 50 lô đất có vị trí tại khu vực đường 60, phường Thảo Điền. Khu đất này chính là thửa đất số 177, 178, 179, 180, 181, 182, 183, 184, tờ bản đồ số 15 trước đây.
Sau khi triển khai các thủ tục hiến đất làm đường, tách thửa thì khu đất này đã được tách thành các thửa mới như: Thửa 708, thửa 700, thửa 756, thửa 760 và thửa 743 tờ bản đồ số 15.
Được biết, khu đất này trước đó đứng tên của một đại gia ở miền Tây và đến nay đã được chuyển nhượng sang cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến Vàng (Kiến Vàng Invest).
Theo thông tin chào bán, giá các sản phẩm tại khu vực này đang được đưa ra thị trường với giá khoảng 200 triệu đồng/m2. Với hơn 50 lô thì có thể thấy khu phân lô nằm trong "khu nhà giàu Thảo Điền" này sau khi phân lô và bán sản phẩm thì chủ đầu tư sẽ có thể thu về trên dưới nghìn tỷ là điều dễ hiểu.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về vị trí và xác thực khu đất phân lô giữa trung tâm TP.HCM, Phóng viên đã có buổi ghi nhận thực tế tại khu đất.
Theo ghi nhận, khu đất nằm tại đường 60, phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức đã được chủ đất hiến đất làm 2 con đường nối từ đường 60 vào khoảng 50m đến giữa khu đất. Đồng thời, chủ đất cũng hiến đất làm đường để phân lô dọc theo các tuyến đường đã hiến đất.
Tại khu đất thời điểm ghi nhận, chủ đâu tư đang cho công nhân hàn tôn vây kín lại và chỉ để lại 2 lối vào gắn cánh cổng tại 2 đầu đường giao với đường 60, phường Thảo Điền. Cũng tại khu đất, ghi nhận có 2 bảo vệ túc trực bảo vệ tại khu đất này.
Điều này khiến nhiều người đặt ra dấu hỏi lớn về mục đích hiến đất làm đường của chủ khu đất này? Một người dân cho hay: "Hiến đất làm đường thì đúng ra tuyến đường này là đường công cộng, ai cũng có thể đi lại. Nhưng họ lại quây tôn lại thì rõ là ý đồ họ làm để phục vụ mục đích phân lô bán nền, lách việc phải thực hiện dự án đầu tư".
Không rõ lý do vì sao, sau khi một số thông tin chào bán kèm những quy định "rất lạ" xuất hiện trên báo chí, truyền thông thì chủ đầu tư khu đất lại cho công nhân quây kín khu đất lại.
Về những quy định bán hàng " kỳ quặc" của chủ đầu tư khu đất này sẽ được Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường thông tin trong bài tiếp theo !.
Chia sẻ về hệ lụy của tình trạng phân lô bán nền trong thời gian qua, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, việc phân lô bán nền không lập dự án đầu tư nhà ở dẫn đến tình trạng tách thửa sai phép và biến tướng thành đất ở, phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị. Tình trạng này đang gia tăng và kéo dài, nếu không có phương án kiểm soát thì hệ quả trước mắt sẽ khiến cho người dân địa phương mất nguồn thu nhập trực tiếp từ sản xuất kinh doanh. Đồng thời gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương.
Cũng theo Luật sư Hà, việc xác nhận cho các tổ chức, cá nhân chuyển mục đích, hiến đất mở đường nhằm chia tách thửa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chưa có sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng được các cấp thẩm quyền phê duyệt, gây thiệt hại cho người mua, dễ dẫn đến tình trạng khiếu nại tranh chấp dân sự khi giao dịch mua bán đất ở nhưng không chuyển được mục đích sử dụng từ các loại đất khác. Thậm chí còn có thể xảy ra tình trạng dù được cấp sổ đỏ là đất ở nhưng lại không xin được cấp phép xây dựng vì hạ tầng thi công không đảm bảo kỹ thuật…
Ngoài ra, hiện nay, nhiều khu phân lô bán nền nằm trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp… không đưa vào sử dụng gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực tài nguyên và bất ổn xã hội. Việc phân lô bán nền chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn trước mắt, còn về lâu dài sẽ phát sinh nhiều tiêu cực và hệ lụy cho xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên, quỹ đất còn lại dành cho việc quy hoạch và phát triển sau này ngày càng khan hiếm, chỉ còn những vị trí bất lợi. Đất đai được xem là nguồn lực lớn và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, vì thế phải làm sao phát huy tối đa giá trị của tài nguyên này.
Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải sớm có giải pháp siết chặt các quy định, bịt các kẽ hở pháp luật như đã phân tích ở trên, đặc biệt là nhanh chóng sửa các văn bản dưới luật về quản lý đất đai.
Phạm Thạch