Nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động phân lô, bán nền
Theo quy định mới, UBND các tỉnh sẽ được quy định những khu vực được chuyển nhượng đất dưới hình thức phân lô, bán nền mà không cần ý kiến Bộ Xây dựng.
Địa phương được quyết định phân lô bán nền, không phải xin ý kiến Bộ Xây dựng
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với hàng loạt điểm mới. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Đáng chú ý, Nghị định 35 của Chính phủ cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền khi phù hợp các quy định pháp luật liên quan mà không phải xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 theo hướng UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, đáp ứng các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định sau:
Dự án phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị; đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng của toàn bộ dự án hoặc theo phân kỳ đầu tư được duyệt; việc xây dựng nhà ở phải bảo đảm tuân thủ nội dung và tiến độ dự án được duyệt;
Không thuộc khu vực có yêu cầu cao quản lý về kiến trúc cảnh quan, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị từng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị để quy định cụ thể khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân được tự xây dựng nhà ở.
Theo quy định trước đó tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phát đi văn bản đề nghị các địa phương siết chặt tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Nhưng theo đánh giá, vấn đề này chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS), vì vậy cần phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác quản lý.
Các chuyên gia đều chung quan điểm việc siết chặt phân lô, bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp là hoàn toàn phù hợp với thực trạng phát triển của thị trường BĐS hiện nay. Đồng thời cũng ủng hộ việc các đô thị lớn hạn chế, tiến tới dừng phân lô, bán nền, mà việc này chỉ nên ưu tiên cho những địa phương có tốc độ đô thị hóa và kinh tế tăng trưởng chậm nhưng phải đầy đủ tiêu chí về cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính theo quy định để thu hồi vốn nhanh, đảm bảo dòng tiền nhằm tiếp tục phát triển dự án mới quy mô hơn.
Bên cạnh đó, khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành thì cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý phân lô, bán nền để hạn chế tối đa những bất cập thời gian qua, đi kèm là giải pháp, quy định về việc đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp, ngành; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, xây dựng sai phép, lừa đảo, bán dự án “ma”…
“Cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc phê duyệt dự án và quản lý dự án phân lô, bán nền. Cùng với đó, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành. Ban hành một quy định chung về đất đai phân lô, bán nền phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí gì?; còn cấp nào phê duyệt, quản lý chỉ cần căn cứ vào tiêu chí đã được ban hành và quy hoạch của từng địa phương” - chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm.
Tạo điều kiện cho người dân được giao đất ở, tách thửa đất
Liên quan đến quy định này tại các địa phương, UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Đơn cử như tình trạng xây dựng các công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm, xây dựng công trình không đúng mục đích sử dụng đất vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; một số công trình vi phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời, dứt điểm.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/3, trên địa bàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai. Trong đó đã xử lý 6.945 trường hợp (chưa tới 50%), còn 7.313 trường hợp chưa xử lý. Địa phương xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai nhiều nhất là thành phố Quy Nhơn với 5.074 trường hợp, đã xử lý 2.712 trường hợp, còn 2.362 trường hợp.
Trong 3 năm, từ 2020-2022, toàn tỉnh có 423 trường hợp xây dựng các công trình không phép, sai phép. Cũng trong thời gian này, các địa phương phát hiện 1.893 công trình xây dựng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, đã cưỡng chế, tháo dỡ 1.069 trường hợp, còn 159 trường hợp chưa xử lý.
UBND tỉnh Bình Định vừa đề ra loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép. UBND tỉnh yêu cầu tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, thực hiện nghiêm minh, kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không được dung túng, bao che cho bất kỳ trường hợp nào. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai,…
Về giải pháp cụ thể, bên cạnh việc phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, UBND tỉnh Bình Định còn đề ra loạt giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND cấp huyện rà soát, quy hoạch bố trí địa điểm không ảnh hưởng đến trật tự giao thông và cho phép đưa một số hoạt động kinh doanh như quầy sạp báo, hàng ăn uống… vào riêng một số khu vực nhất định hoặc theo thời gian nhất định trong ngày.
UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức kẻ vạch sơn, gắn biển báo các vỉa hè về vị trí để xe, buôn bán theo giờ trong ngày. Đồng thời rà soát ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát quỹ đất ở nông thôn, thị trấn (thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), xác định nhu cầu, lập quy hoạch quỹ đất ở, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xem xét giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã, thị trấn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu xem xét điều kiện tách thửa để làm nhà ở cho các hộ gia đình có nhiều thế hệ chung sống, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, cho tặng và chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, chia tách thửa đất tại các địa phương theo quy định.
Đức Minh