Thái Nguyên cấm phân lô, bán nền ở những khu vực nào?
Thái Nguyên vừa công bố danh sách các khu vực không được phép phân lô, bán nền trên địa bàn. Theo đó, khu vực này bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính của TP Thái Nguyên, TP Phổ Yên, TP Sông Công;
Toàn bộ địa giới hành chính các thị trấn thuộc huyện, các khu vực đô thị mới và đô thị mở rộng đã được công nhận là đô thị loại IV, V.
Cấm phân lô bán nền ở Sông Công, Phổ Yên, TP Thái Nguyên
UBND tỉnh Thái Nguyên mới đây đã ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND về việc công bố các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn.
Theo Quyết định này, các khu vực được phép thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh. Trừ các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Khu vực bị cấm bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công; toàn bộ địa giới hành chính các thị trấn thuộc huyện, các khu vực đô thị mới và đô thị mở rộng đã được công nhận là đô thị loại IV, V; Các khu vực thuộc địa giới hành chính các xã thuộc huyện do UBND cấp huyện đề xuất khuyến khích xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê cũng thuộc nội dung quyết định này.
UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Xây dựng: Kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung trong lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị kiểm tra vị trí, khu vực đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định.
UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố ra soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuẩn bị quỹ đất để xây dựng các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở đề bán hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố căn cứ các nội dung tại Quyết định này tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê theo đúng quy định, tổ chức công bố công khai chi tiết các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bản kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi các dự án được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị nghiên cứu, lựa chọn nội dung đầu tư đảm bảo các quy định nêu trên và các quy định pháp luật hiện hành.
Duyệt quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn năm 2050
Trước đó, liên quan đến công tác quy hoạch trên địa bàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, với 09 đơn vị hành chính gồm: 03 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 06 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đông Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.
Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Về kết cấu hạ tầng, tỉnh Thái Nguyên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo bước đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của vùng, quốc gia. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư đảm bảo đồng bộ. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn. Phát triển hạ tầng phục vụ các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch và xây dựng đảm bảo chức năng là trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của vùng.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 45 tỷ USD.
Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,0%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%.
GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành). Tỷ lệ lao động theo ngành kinh tế: Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 37%; ngành nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 27%; ngành dịch vụ chiếm 36%.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Hồng Quang