Bất động sản là ngành đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng đầu năm
Trong 9 tháng đầu năm 2024, bất động sản tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam, xếp hạng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Với tổng vốn đầu tư đạt 4,38 tỷ USD, chiếm gần 17,7%, lĩnh vực này đã và đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp, và bất động sản phẩm nghỉ dưỡng.
Theo đó, Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 9 tháng qua đạt gần hơn 24,78 tỷ USD, tăng hơn 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tới hết tháng 9, các dự án FDI ước tính giải ngân hơn 17,3 USD, tăng 8,9%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI, với tổng vốn 15,64 tỷ USD, chiếm tỷ lệ gần 63,1%.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,38 tỷ USD, chiếm gần 17,7%. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện (1,12 tỷ USD), bán buôn bán lẻ (920 triệu USD).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất động sản sử dụng một tỷ lệ lớn trong tổng vốn FDI vào Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và các nước châu Âu đều đã tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam với các dự án lớn, trải nghiệm rộng khắp nhiều lĩnh vực từ nhà ở, khu đô thị đến khu công nghiệp và dịch vụ thương mại.
Xét về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,47 lần cùng kỳ. TP.HCM đứng thứ 2, với hơn 1,91 tỷ USD. Quảng Ninh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,81 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội…
Vốn đầu tư tiếp tục tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế, như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…
Trong 9 tháng qua, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng đầu với tổng vốn hơn 7,35 tỷ USD, chiếm gần 29,7% tổng vốn đăng ký và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,3%), trong khi Hàn Quốc đứng đầu về số lượt điều chỉnh vốn (23,9%) và GVMCP (25,6%).
Đánh giá về tình hình đầu tư nước ngoài trong 9 tháng qua, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cả vốn đầu tư thực hiện và đăng ký đều tăng đáng kể, với mức tăng lần lượt là 8,9% và 11,6%. Đáng chú ý, quy mô vốn của các dự án mới đã tăng từ 4,68 triệu USD/dự án (9 tháng năm 2023) lên 5,44 triệu USD/dự án (9 tháng năm 2024). Quy mô vốn điều chỉnh cũng tăng từ 5,39 triệu USD/lượt điều chỉnh lên 7,44 triệu USD/lượt điều chỉnh.
Tiến Hoàng