0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 26/08/2024 14:08 (GMT+7)

Cà Mau: Những dự án có vốn đầu tư “khủng” nhưng tiến độ thi công… “rùa”

Theo dõi KT&TD trên

Như Báo điện tử Xây dựng liên tiếp thông tin, dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh với vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng có nguy cơ thu hồi vốn do chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án dự kiến cuối năm 2025 hoàn thành đưa vào sử dụng giúp người dân miền cuối đất thoát cảnh vùng trũng y tế nhưng đến nay tiến độ giải ngân chỉ đạt 5,25%. Đây là một trong nhiều dự án có vốn đầu tư “khủng” mà Ban Quản lý dự án công trình xây dựng (QLDA CTXD) tỉnh làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngoài dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, nhiều dự án mà Ban QLDA CTXD tỉnh làm chủ đầu tư cũng chậm tiến độ.

Cà Mau: Những dự án có vốn đầu tư “khủng” nhưng tiến độ thi công… “rùa”
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải (bên phải) cùng Đoàn công tác kiểm tra tiến độ công trình trọng điểm.

Từ những công trình dân sinh

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, Ban QLDA CTXD tỉnh Cà Mau chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Còn nhớ, trung tuần tháng 5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công tại các công trình do Ban QLDA CTXD tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, người đứng đầu UBND tỉnh bức xúc: “Mùa nắng hạn kéo dài, rất thuận lợi cho việc thi công các công trình. Tuy nhiên, tiến độ các dự án rất chậm, tôi cảm thấy thật thất vọng…”.

Trong khi nguồn vốn khó khăn, Ban QLDA CTXD tỉnh được phân bổ vốn lớn, làm chủ đầu tư nhiều công trình nhưng tiến độ thi công theo kiểu… “rùa bò”. Ngoài dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau với quy mô 1.200 giường bệnh, Ban QLDA CTXD tỉnh làm chủ đầu tư dự án Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quy mô 75 giường vốn đầu tư hơn 213 tỷ đồng từ nguồn vốn Xổ số Kiến thiết. Thời gian thực hiện năm 2014 - 2024. Theo báo cáo của Ban QLDA CTXD tỉnh, đến ngày 20/8/2024, các hạng mục chính của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Gói thầu hàng rào dài 175m chưa thi công do vướng mặt bằng. Nhà thầu xây dựng đường số 1 là Công ty TNHH Nga Thủy đã không có khả năng thi công, chủ đầu tư đang hoàn chỉnh thủ tục chấm dứt hợp đồng.

Dự án Đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là, tổng mức đầu tư hơn 106 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2023-2025. Tuy nhiên, đến tháng 8/2024, dự án hơn 100 tỷ trên trong giai đoạn khảo sát địa hình, hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, ký hợp đồng tư vấn phần xây dựng tượng đài và chưa giải ngân được đồng nào.

Tương tự, ngày 25/9/2020, UBND tỉnh Cà Mau có Quyết định số 1818 về việc phê duyệt (điều chỉnh) báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cà Mau do Ban QLDA CTXD tỉnh làm chủ đầu tư. Quy mô dự án xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm thoát nước, cống tròn bê tông cốt thép; Hệ thống thoát nước bẩn, đường ống thu nước thải trên địa bàn thành phố Cà Mau và Nhà máy xử lý nước thải công suất 8.000 m3/ngày đêm có khả năng mở rộng 17.000 m3/ngày đêm. Tổng mức vốn đầu tư hơn 567 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA 343,4 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng 224,5 tỷ đồng; thời gian thực hiện đến tháng 9/2023.

Trớ trêu thay, mùa mưa, thành phố Cà Mau bị ngập do hệ thống thoát nước không đáp ứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu, một số vùng ngoại ô vẫn còn sử dụng nước bẩn… nhưng đến ngày 20/8/2024, Ban QLDA CTXD tỉnh giải ngân được 36,4 tỷ đồng, tương đương 6,4% dự án. Hiện chủ đầu tư đang “khẩn trương” báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư; khi được cấp thẩm quyền thống nhất về sử dụng nguồn vốn cho dự án, Ban QLDA CTXD sẽ phối hợp các bên có liên quan tiến hành rà soát, cập nhật hoàn thiện trình tự thực hiện các bước tiếp theo theo quy định chứ không nhận trách nhiệm chậm tiến độ khi thực hiện công trình.

Đến Dự án trụ sở làm việc của Tỉnh ủy chậm tiến độ

Năm 2020, UBND tỉnh Cà Mau đồng ý về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Cà Mau. Dự án được xây dựng có diện tích 3,29ha, tổng mức đầu tư hơn 362 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2021-2024. Chỉ còn 3 tháng nữa, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng thực tế đến nay, chủ đầu tư mới giải ngân được 118 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh bố trí vốn 125 tỷ đồng nhưng đến ngày 20/8/2024, Ban QLDA CTXD tỉnh giải ngân được 12,9 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký 03 văn bản đôn đốc tiến độ công trình.

Cà Mau: Những dự án có vốn đầu tư “khủng” nhưng tiến độ thi công… “rùa”
Phối cảnh dự án Trụ sở làm việc Tỉnh ủy Cà Mau vốn đầu tư hơn 362 tỷ đồng đang chậm tiến độ.

Qua kiểm tra, nhiều hạng mục, gói thầu trăm tỷ chậm tiến độ. Ngày 14/7/2023, Công ty Cổ phần Sản xuất công nghiệp Xây Lắp 3 trúng thầu gói thầu thi công số 29a, thi công Trụ sở làm việc; Cải tạo nhà làm việc hiện trạng; Thử tĩnh cọc: Gói thầu trúng thầu có giá trị hợp đồng 153.878.301.069 đồng, giá dự toán mời thầu 161,1 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách hơn 7,2 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 510 ngày (từ ngày 05/8/2023 đến 26/12/2024). Tổng giá trị khối lượng công việc đã thực hiện đến thời điểm này chỉ hơn 39 tỷ đồng , đạt 27,07% so với hợp đồng. Tiến độ thi công chậm so với kế hoạch đề ra.

Tương tự, Gói thầu thi công số 29b thi công các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật và thử tĩnh cọc hơn 47 tỷ đồng đến cuối tháng 12/2024 hoàn thành. Đến nay, tổng giá trị khối lượng công việc đã thực hiện đến thời điểm này là 11,576 tỷ đồng, đạt 25,65% so với hợp đồng. Hiện một số hạng mục của gói thầu chưa triển khai thi công ngay được. Gói thầu thi công số 30 lắp đặt Hệ thống cung cấp điện và điện năng lượng mặt trời; Máy phát điện; Âm thanh, camera, thông tin liên lạc; Thang máy; Điều hòa không khí; Phòng cháy chữa cháy và chống sét; Hệ thống an ninh, quản lý tòa nhà vốn đầu tư hơn 98 tỷ đồng nhưng đến nay khối lượng đạt 12,3 tỷ đồng, tương đương 13,2% giá trị hợp đồng.

Cà Mau: Những dự án có vốn đầu tư “khủng” nhưng tiến độ thi công… “rùa”
Trụ sở Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau.

Qua hàng loạt dự án trên, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Việc chậm giải ngân vốn, không phải trách nhiệm của một cá nhân mà là của cả tập thể. Để đôn đốc việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có Công điện số 03/CĐ-BKHĐT gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước; xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu đẩy nhanh quá trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng vốn vay ODA; tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Công điện cũng nêu rõ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 không đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Và tỉnh Cà Mau không phải là ngoại lệ.

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau: Những dự án có vốn đầu tư “khủng” nhưng tiến độ thi công… “rùa”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông
Đề xuất chuyển Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư
Bộ Giao thông vận tải đề xuất đổi tên Cục Đường cao tốc Việt Nam thành Cục Quản lý công tư, đồng thời kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ của Cục này để bảo đảm bao quát toàn bộ các nhiệm vụ về đầu tư theo hình thức PPP cho phù hợp với pháp luật hiện hành, bối cảnh hiện tại và xu hướng tương lai.

Tin mới

Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông
Giá vàng đắt nhất lịch sử: Thị trường nhiều ẩn số, cẩn trọng khi đầu cơ
Cùng với triển vọng tăng giá của vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua cũng đã có nhiều phiên bật tăng và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người mua vẫn phải đối mặt với rủi ro trong một thị trường vàng còn nhiều "ẩn số".
Nestlé hỗ trợ sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Trước những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền Bắc vào đầu tháng 9/2024, Nestlé Việt Nam đã nhanh chóng huy động các nguồn lực của công ty cũng như cán bộ nhân viên để kịp thời chung tay với các cùng các đối tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu xây lắp 156 tỷ đồng tái định cư sân bay Long Thành
Gói thầu số 57 là gói thầu xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông, cung cấp và lắp đặt thiết bị của Dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn (thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành).