Bảo hiểm nhân thọ bồi thường gần 10 tỷ cho nạn nhân bão Yagi
Tổng cộng có 15 trường hợp người tham gia bảo hiểm được 6 DNBH nhân thọ ghi nhân thiệt hại về người do cơn bão số 3 (Yagi) và số tiền dự kiến chi trả bồi thường khoảng 9,72 tỷ đồng
Tính đến ngày 11/09/2024, một số DN bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận báo cáo sơ bộ và thống kê thiệt hại về người do cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây ra.
Cụ thể, Bảo hiểm AIA cho biết, thông qua trưởng đại diện kinh doanh, văn phòng kinh doanh tại các địa bàn, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh.Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng.
Theo đại diện AIA, sau khi xác nhận bước đầu, công ty đã chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này.
Tương tự, Công ty Bảo hiểm Dai -ichi ghi nhận 6 trường hợp tử vong trong vụ sạt lở tại Yên Bái, với số tiền bồi thường ước tính khoảng 2,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, bảo hiểm Sunlife, Cathay Life, và Generali đều có một vụ khách hàng thiệt hại về người, dự chi trả lần lượt là 260 triệu đồng, 30 triệu đồng và 20 triệu đồng.
Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã tiếp nhận một vụ thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, với số tiền dự kiến chi trả khoảng 210 triệu đồng.
Như vậy, tổng cộng đã có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận thiệt hại về người từ các khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm và 15 trường hợp thương vong đã được báo cáo, với số tiền dự kiến chi trả ban đầu ước tính khoảng 9,72 tỷ đồng.
Song song với đó, các DNBH nhân thọ khác như Prudential, Manulife, Chubb, Phú Hưng Life, Hanwha… xác nhận đều đã rà soát, nhưng chưa ghi nhận trường hợp khách hàng nào bị thiệt hại do bão và lũ.
Bên cạnh đó, mảng bảo hiểm phi nhân thọ hiện đã và đang ghi nhận tổn thất nặng nề về tài sản cho cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, con số bồi thường ngày càng tăng thêm.
Tính đến thời điểm ngày 11/09, PJICO ghi nhận khoảng 500 vụ tổn thất, VNI ghi nhận hơn 200 vụ tổn thất, VBI ghi nhận trên 400 vụ tổn thất, Bảo Việt ghi nhận 437 vụ tổn thất, mỗi DN ước tính bồi thường hàng trăm tỷ đồng.
Bảo hiểm BSH cũng đã ghi nhận 100 vụ tổn thất về tài sản, 250 vụ tổn thất về xe cơ giới. BIC ghi nhận gần 624 vụ tổn thất (trong đó có 44 vụ về bảo hiểm hàng hải, 308 vụ về tài sản, kỹ thuật, hơn 272 vụ về xe cơ giới), ước tính thiệt hại khoảng 213 tỷ đồng.
Tổn thất nặng nhất đến thời điểm này theo ghi nhận là bảo hiểm PVI với hơn 500 vụ, ước tổng mức khiếu nại bồi thường hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
“Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng”, đại diện PVI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Fubon ghi nhận 102 vụ về bảo hiểm tài sản, thiệt hại ước tính 69,7 tỷ đồng. Cathayghi nhận 24 vụ về bảo hiểm tài sản, thiệt hại ước tính 72 tỷ đồng.
Mới đây, chỉ đạo lĩnh vực bảo hiểm tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, đến thời điểm ngày 11/09, DNBH phi nhân thọ đã tiếp nhận gần 2.900 vụ tổn thất, DNBH nhân thọ có 15 trường hợp ghi nhận thương vong về người. Đồng thời, lãnh đạo và cán bộ nhân viên các DNBH đã và đang nỗ lực cao nhất để liên lạc, tiếp cập với khách hàng, người thân, hỗ trợ thủ tục, giám định và chi trả bồi thường nhanh nhất, nhằm chia sẻ rủi ro, mất mát, cùng vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Xuân Thạch