0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 24/06/2024 06:25 (GMT+7)

Bảo hiểm nhân thọ: Những 'thương tích' chưa thể sớm 'chữa lành'

Theo dõi KT&TD trên

“Sóng gió”, “cú sốc”, “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” là những cụm từ mà người ta thường dùng để ví von về thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua. Sau thời gian đầy “thương tích”, liệu thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể lấy lại phong độ trong bối cảnh khó khăn chồng chất.

Dư âm sau cơn bão

Trải qua quý đầu tiên của năm 2024, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa thể quay lại thời hoàng kim. Báo cáo gần nhất của Tổng cục Thống kê chỉ ra tổng doanh thu phí bảo hiểm trong quý I/2024 ước đạt 53.295 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 33.553 tỷ đồng, giảm 11,4 % so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu phí bảo hiểm năm thứ nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ quý I/2024 cũng giảm 35%.

Tập đoàn Bảo Việt, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy nhất trên sàn, không đứng ngoài “cơn bão”. Theo báo cáo tài chính quý I/2024, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 228 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, từ 9.846 tỷ đồng xuống 9.618 tỷ đồng. Đáng chú ý, tập đoàn lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tới hơn 448 tỷ đồng, gấp 4 lần mức lỗ gộp cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ cũng đã có chuỗi giảm liên tục kể từ quý I/2023, cụ thể, giảm 17% trong quý IV/2023, 10,7% trong quý III/2023 và 3,6% trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong cả năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm 12,5% so với năm trước.

Bảo hiểm nhân thọ: Những 'thương tích' chưa thể sớm 'chữa lành'

Doanh thu phí bảo hiểm liên tục giảm cũng tác động không nhỏ lên doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần.

Năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential giảm 12,4%, kéo theo doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 13%. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty cũng giảm từ 10.083 tỷ đồng, xuống còn 1.283 tỷ đồng.

Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam cũng chứng kiến mức doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm từ 26.322 tỷ đồng xuống còn hơn 21.051 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Manulife giảm từ 7.742 tỷ đồng xuống còn 2.175 tỷ đồng trong cùng năm.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam có doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm từ 4.593 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 4.398 tỷ đồng năm 2023. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm giảm từ 4.777 tỷ đồng xuống còn 4.582 tỷ đồng.

Đồng cảnh ngộ, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life cũng giảm mạnh về doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm khi giảm từ 6.395 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 4.646 tỷ đồng năm 2023. Nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần là do doanh thu phí bảo hiểm giảm tới 28%.

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Trần Mạnh Hoàng Việt, Giám đốc khu vực của Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life, nhận định: “Trong gần 30 năm hoạt động, 2023 là một trong những năm mà ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Trước hết, khủng hoảng niềm tin sau hàng loạt vụ lùm xùm và sai phạm trong quá trình tư vấn và tính toán thuế đã làm giảm lòng tin của khách hàng. Hệ lụy là 14 doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm. Niềm tin của khách hàng sụt giảm kéo theo số lượng hợp đồng khai thác mới giảm mạnh. Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, tử kỳ và hỗn hợp cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Biến động của nền kinh tế làm suy giảm khả năng chi trả của người dân cũng kéo lùi doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Những điều này giống như những cú đánh bồi liên tiếp làm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trở nên ốm yếu”, ông Việt bình luận.

Phục hồi chậm nhưng tích cực

Bảo hiểm nhân thọ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm nhân thọ của nước ta vẫn chưa phát triển theo đúng tiềm năng khi mới chỉ có 11% dân số tham gia bảo hiểm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của nhiều nước trong khu vực như Philippines (38%) hay Malaysia (50%). Điều này cho thấy ngành bảo hiểm nhân thọ tại nước ta vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Nhất là khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và tăng trưởng, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ tăng theo.

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt cho rằng: “Trải qua năm 2023 khó khăn, ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ có sự phục hồi chậm nhưng tích cực trong năm nay. Các biện pháp quản lý chặt chẽ từ Bộ Tài chính nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính trực trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể dần khôi phục niềm tin của khách hàng”.

Bên cạnh đó, ông cũng nhìn thấy triển vọng tích cực khi các công ty bảo hiểm liên tục đổi mới sản phẩm, ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho khách hàng tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.

Bảo hiểm nhân thọ: Những 'thương tích' chưa thể sớm 'chữa lành'

Riêng với bancassurance, ông Việt cho rằng, kênh này hiện đang gặp nhiều thách thức lớn. “Thông tư 67 của Bộ Tài chính với nhiều quy định khắt khe sẽ làm giảm hiệu quả và phạm vi hoạt động của bancassurance. Nhưng ở chiều ngược lại, điều này góp phần giúp minh bạch hóa kênh bancassurance, để bancassurance phát triển đúng hướng. Cùng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng, kênh bancassurance sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu của các công ty bảo hiểm”, ông nói.

Tư vấn viên phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng

Về đường dài, đại diện của MB Ageas Life nhấn mạnh một trong những vấn đề lớn nhất mà ngành bảo hiểm nhân thọ cần phải thay đổi “ngay và luôn” đó là chất lượng của các tư vấn viên bảo hiểm.

Những lùm xùm trong quá khứ phần nào bắt nguồn từ việc nhiều tư vấn viên thiếu chuyên môn, cố tình tư vấn không đúng, không đủ chỉ để bán hàng. Từ đó, khiến khách hàng có cái nhìn thiếu thiện cảm với bảo hiểm nhân thọ, làm xấu đi hình ảnh của các công ty bảo hiểm nhân thọ. “Giai đoạn đi chậm này chính là cơ hội để đội ngũ nhân viên tư vấn bảo hiểm chuyển mình, từ chú trọng vào số lượng sang tập trung vào chất lượng. Chỉ khi tư vấn viên có đủ kiến thức và kỹ năng, họ mới có thể cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy cho khách hàng, giúp khách hàng cảm thấy an tâm hơn khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm. Việc này không chỉ giúp tăng doanh số mà còn góp phần nâng cao uy tín và sự tin tưởng của khách hàng đối với ngành bảo hiểm nhân thọ”, ông Việt nhận định.

Ông dẫn chứng, tại các quốc gia phát triển, những chuyên viên tư vấn bảo hiểm đã phát triển thành các nhà hoạch định tài chính cá nhân đúng nghĩa với những chứng chỉ chuyên môn được công nhận trên toàn cầu như CHFc, CFP... để đem lại những lợi ích thực thụ và chuyên sâu hơn cho khách hàng. Họ không chỉ dừng lại ở việc phân phối sản phẩm bảo hiểm mà thực hiện việc đánh giá tổng thể bức tranh tài chính cá nhân của khách hàng một cách kỹ lưỡng.

Các tư vấn viên này sẽ phân tích chi tiết các yếu tố tài chính bao gồm thu nhập, chi tiêu, đầu tư và mục tiêu tài chính dài hạn của khách hàng. Dựa trên thông tin đó, họ đưa ra các lời tư vấn cụ thể và có cam kết pháp lý đối với những khuyến nghị của mình. Điều này không chỉ giúp khách hàng có cái nhìn toàn diện và chiến lược về tình hình tài chính của mình, lựa chọn sản phẩm phù hợp mà còn xây dựng lòng tin và sự hài lòng lâu dài.

“Hướng đi này đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao tại nhiều quốc gia phát triển và cũng nên là con đường mà ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam cần hướng tới để ngành phát triển theo đúng tiềm năng vốn có”, ông Việt nhận định.

Mai Lý

Bạn đang đọc bài viết Bảo hiểm nhân thọ: Những 'thương tích' chưa thể sớm 'chữa lành'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
“VinFast chơi lớn số 2 không ai là số 1”
Trên hành trình từ số 0 đến số 1, VinFast liên tục khiến thị trường “choáng” không chỉ bởi những kỷ lục về đơn đặt cọc, doanh số mà còn vì những lần tri ân hào phóng cùng các chính sách hậu mãi chưa từng có tiền lệ.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.