Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tiếp tục ghi nhận những kết quả kém sắc
Sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã chững lại vào năm 2023 sau khủng hoảng niềm tin và việc các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh lĩnh vực này.
Theo đó, tổng kết quý 4-2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm nay, doanh thu phí toàn thị trường này ước đạt 227.100 tỉ đồng, giảm hơn 8,3% so với năm trước.
Theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. IAV không cung cấp con số cụ thể về doanh thu phí bảo hiểm của năm 2022 để làm mốc so sánh.
Tuy nhiên, khi so sánh với kết quả thống kê của Bộ Tài chính cho năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã sụt giảm 8,1%. Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ sự yếu kém của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sau cuộc khủng hoảng niềm tin hồi đầu năm.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, thì có thể thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành đã giảm 6,9% so với cùng kỳ, xuống còn 165.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7%.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 04/12, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.400 tỷ đồng (tăng 30,19% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo báo cáo tài chính từ 8 ngân hàng có công bố chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, trong 9 tháng đầu năm, các nhà băng này đã kiếm tổng cộng 9.409 tỷ đồng từ việc bán chéo bảo hiểm, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngân hàng như SeABank còn chứng kiến mức sụt giảm gần 80%.
Bộ Tài chính cho rằng, doanh thu phí bảo hiểm giảm trong năm 2023 chủ yếu do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong thời gian gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.
Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm lại tăng tới 32,52%, ước đạt 81.162 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp phi nhân thọ ước đạt 23.814 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 57.348 tỷ đồng.
Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 757.652 tỷ đồng (tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 593.474 tỷ đồng (tăng 14,25% so với cùng kỳ năm trước).
Đối với hoạt động môi giới bảo hiểm, trong năm 2023, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 16.824 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 9.338 tỷ đồng, phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 7.486 tỷ đồng).
Hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc ước đạt 894 tỷ đồng (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước), hoa hồng môi giới tái bảo hiểm ước đạt 265 tỷ đồng (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước).
Các chuyên gia và công ty chứng khoán dự báo rằng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), sẽ khó phục hồi trong ngắn hạn. Những năm gần đây, bancassurance từng là động lực tăng trưởng chủ yếu cho ngành bảo hiểm nhân thọ.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ) bị ảnh hưởng từ việc thu nhập của người dân giảm sút, các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, và điều chỉnh hoạt động thích nghi với các quy định mới. Sau 8 tháng đầu năm, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
VCBS cho rằng thu nhập từ bán chéo bảo hiểm dự báo đi ngang trong năm 2024 do các ngân hàng sẽ cần thời gian cơ cấu lại chiến lược, hoạt động, cấu trúc sản phẩm, và lấy lại niềm tin của khách hàng.
Bộ Tài chính dự kiến trong năm 2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng 7,27%; các doanh nghiệp nhân thọ tăng 10,4% so với năm 2023. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 243.472 tỷ đồng (tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước), trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước).
Tiến Hoàng