Bảo hiểm nhân thọ: Nỗ lực lấy lại niềm tin từ khách hàng
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua với sự gia tăng số lượng công ty tham gia và tổng doanh thu. Năm 2024 được dự báo tiếp tục có nhiều thách thức với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm cả các sản phẩm ngắn hạn và dài hạn. Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ra đời nhằm phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm, bao gồm các sản phẩm đơn giản, chỉ cung cấp quyền lợi bảo vệ thuần túy (bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sức khỏe…) và các sản phẩm bảo hiểm có kết hợp cả bảo vệ và đầu tư (Bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí..).
Đối với các sản phẩm bảo vệ thuần túy, phí bảo hiểm thường không được hoàn lại trong trường hợp rủi ro không xảy ra. Đối với các sản phẩm bảo hiểm có kết hợp cả bảo vệ và đầu tư, phí bảo hiểm sẽ được phân bổ một phần cho bảo vệ và một phần cho đầu tư. Phần phí cho bảo vệ sẽ không được hoàn lại, phần phí mang đầu tư sẽ tạo ra giá trị hợp đồng mà khách hàng nhận lại khi đáo hạn hoặc hủy hợp đồng. Vì vậy, đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có yếu tố đầu tư, để bù đắp được chi phí khai thác và mang lại lợi nhuận đầu tư từ phần phí bảo hiểm thì các sản phẩm này thường là dài hạn.
Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nghiệp vụ bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm hưu trí (chỉ trả tiền bảo hiểm sau khi người được bảo hiểm đến độ tuổi nghỉ hưu, quyền lợi hưu trí được trả cho đến khi bên mua bảo hiểm chế hoặc trả định kỳ với thời gian tối thiểu 15 năm), nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư (cũng được cung cấp quyền lợi đến khi người được bảo hiểm đạt 99 tuổi). Đây cũng là các sản phẩm bảo hiểm phổ biến trên thị trường quốc tế. Dù là loại sản phẩm nào thì việc tham gia bảo hiểm phải xuất phát từ nhu cầu bảo vệ trước tiên. Bên mua bảo hiểm cần cân nhắc và lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của bản thân trong trường hợp xảy ra rủi ro.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định tại hội nghị, ngành bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế. Ở góc độ xã hội, ngành này tác động trực tiếp đến việc duy trì lực lượng lao động, đảm bảo sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân, đồng thời góp phần giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống.
"Bảo hiểm nhân thọ là ngành có vị thế đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Đây là một trong số ít ngành được ban hành luật riêng, cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế, đời sống người dân".
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: thời gian qua các cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm đã có nhiều giải pháp để củng cố niềm tin và nâng cao chất lượng sản phẩm như cải tiến sản phẩm sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với người dân; cải tiến các quy trình nghiệp vụ giúp việc thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm.
Bên cạnh đó là giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện hơn cho khách hàng; nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cũng như kiểm soát chất lượng tư vấn; nâng cao trải nghiệm khách hàng để mang lại giá trị gia tăng về sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.
Những năm gần đây, Sun Life Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện cả về doanh thu, hệ thống kênh phân phối, công nghệ thông tin, dịch vụ khách hàng, sản phẩm, thương hiệu…
Từ năm 2019, doanh thu Sun Life Việt Nam bắt đầu có những bước tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 1.000 tỉ đồng, tăng hơn 200 tỉ đồng so với năm 2018. Năm 2020, doanh thu Sun Life Việt Nam đạt hơn 1.307 tỉ đồng, tiếp tục tăng lên 3.014 tỉ đồng năm 2021 và hơn 5.173 tỉ đồng năm 2022. Năm 2023, với những điều kiện thị trường không thuận lợi, song doanh thu từ hoạt động kinh doanh của nhà bảo hiểm này vẫn đạt hơn 4.127 tỉ đồng với lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 2.152 tỉ đồng trong năm 2023.
Cùng với sự tăng trưởng doanh thu phí, ngày 31.12.2023, tổng các khoản đầu tư tài chính của nhà bảo hiểm này lên đến gần 7.991 tỉ đồng, trong đó có các khoản đầu tư tài chính dài hạn như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp với số tiền tương ứng là 2.915 tỉ đồng và 1.581 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2023, tình hình tài chính của Sun Life Việt Nam cho thấy, các khoản tiền mặt và tương đương tiền lên đến hơn 2.195 tỉ đồng.
Được biết, Bộ Tài chính vừa chấp thuận Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life Việt Nam) tăng vốn điều lệ từ 16.480 tỷ đồng lên 17.944 tỷ đồng theo Giấy phép điều chỉnh số: 68/GPĐC14/KDBH. Với số vốn tăng thêm 1.464 tỷ đồng lần này Sun Life Việt Nam trở thành một trong 3 công ty bảo hiểm có vốn điều lệ lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.
Với những giải pháp tập trung vào trải nghiệm và những điểm chạm chân thực, những giá trị phù hợp với các nhu cầu khác nhau của mỗi người, Sun Life Việt Nam đang từng bước bảo vệ sự an toàn tài chính và sức khỏe cho hơn 300.000 Khách hàng, bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Sun Life Việt Nam là công ty trực thuộc Tập đoàn Sun Life - tổ chức dịch vụ tài chính quốc tế hàng đầu cung cấp các giải pháp bảo hiểm, quản lý tài sản đa dạng cho Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có trụ sở chính tại Toronto, Canada và hoạt động tại các thị trường trên thế giới, bao gồm Canada, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ai-len, Hồng Kông, Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Bermuda. Tính đến ngày 31/12/2023, Tập đoàn Sun Life quản lý tổng giá trị tài sản lên đến hơn 1.400 tỷ đô la Canada (hơn 1.030 tỷ đô la Mỹ).
Tiến Hoàng