Áp lực lạm phát 2024 không quá lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo không quá lớn, song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh. Các nhân tố ảnh hưởng tới lạm phát gồm cả khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các nhân tố từ nội tại nền kinh tế.
Áp lực lạm phát 2024 không quá lớn
Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.
Thay mặt nhóm nghiên cứu công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết kinh tế Việt Nam đã thể hiện đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” cũng đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo Kịch bản 1, và 6,48% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong Kịch bản 1 và tăng 5,19% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,02 tỷ USD và 5,19 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 34% và 3,72%.
“Kịch bản tích cực có thể đạt được khi các giải pháp chính sách tăng tốc phục hồi được xây dựng dựa trên cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, sau những nỗ lực cải thiện khá đáng kể của năm 2023. Đây cũng chính là nội dung chính của khuyến nghị mà CIEM đưa ra”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.
Cụ thể, trong kịch bản 2, các giả thuyết được đưa ra là GDP của thế giới tăng 3,2%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10%; tín dụng tăng 16%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2% và cải cách thể chế mạnh mẽ giúp tăng chất lượng tăng trưởng, trong đó có năng suất lao động.
Đặc biệt, kịch bản này nhấn mạnh đến các giải pháp đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo...).
“Các yếu tố này sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, làm cơ sở thúc đẩy vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%”, ông Dương làm rõ.
So với kịch bản 2 (tích cực), kịch bản được xác định là trong tầm thi, với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13%, các giả thiết trên có tăng hơn một chút. Cụ thể, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, biến số kinh tế thế giới có lẽ sẽ còn khó dự báo hơn trong năm tới. “Đây là năm bầu cử ở nhiều nước, với 4 tỷ dân trên thế giới sẽ đi bầu cử. Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng thay đổi chính sách xuất nhập khẩu và đầu tư ở nhiều thị trường”, ông Dương nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng có đồng quan điểm, năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo không quá lớn, song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh. Các nhân tố ảnh hưởng tới lạm phát gồm cả khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các nhân tố từ nội tại nền kinh tế.
Trước hết, lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm thấp, nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao, có thể làm nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu lạm phát. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng dự kiến giảm xuống 4,5%. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.
Nói về những yếu tố làm giảm áp lực lạm phát trong năm 2024, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực "nhập khẩu"; giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát; thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023 cũng đã tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024.
Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.
Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối quý I khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa Việt Nam đồng và Đôla Mỹ giảm, do đó giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam. Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023 được tiếp tục thực hiện trong năm 2024 như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ; với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào sẽ giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
Sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%- 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi
Với những yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát như đã nêu trên trong năm 2024, dự báo CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở mức 3,5% - 3,6%. Mức lạm phát vẫn duy trì nằm trong kế hoạch mục tiêu của Quốc hôi đề ra là 4%-4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo không quá lớn, song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh.
“Nếu không có gì đột biến, lạm phát năm nay được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro”, bà Nguyễn Thu Oanh nhận định.
Theo bà Oanh, năm 2024, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm.Vì thế, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tháng 1/2024 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Đầu tư công tăng kéo theo đầu tư tư nhân tăng, giá vật liệu xây dựng và các loại vật dụng, hàng hóa, nguyên liệu liên quan đến xây dựng cũng tăng nếu cung không đủ cầu.
Năm 2023, EVN đã 2 lần tăng giá điện, vào tháng 5 (tăng 3%) và tháng 11 (tăng 4,5%). Đợt tăng giá vào tháng 11/2023 chưa tác động ngay tới CPI, nhưng đến tháng 1/2024 đã tác động khi giá điện bình quân tháng này tăng 1,29% - thuộc mặt hàng tăng giá cao nhất.
Năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương đã có kế hoạch trình Chính phủ tiếp tục tăng giá điện, cộng với 2 đợt tăng giá trong năm 2023, sẽ tác động mạnh đến CPI, đặc biệt là vào những tháng hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng.
Học phí năm 2023-2024 ở khu vực công lập tạm thời chưa tăng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, nhưng năm học 2024-2025 thì chưa biết có tăng hay không.
Khác với mọi năm, lương tối thiểu vùng và lương cơ sở được điều chỉnh lệch thời điểm (ngày 1/7 và 1/1), còn năm 2024, cải cách tiền lương mới và tăng lương tối thiểu vùng (tăng 6%) vào cùng một thời điểm là ngày 1/7/2024, nên tạo ra áp lực rất lớn. Ít nhất là viện phí của cơ sở công lập sẽ tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.
Năm 2023, sau khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2023/TT-BYT (áp dụng từ ngày 17/11/2023) về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã khiến nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,02% - tăng cao nhất trong số 11 nhóm hàng hóa dịch vụ trong rổ tính CPI.
Giải pháp nào kìm hãm lạm pháp
Về giải pháp, theo PGS.TS Ngô Trí Long, kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên trong trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để kiểm soát lạm phát cần dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất...
Các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu của ngành, địa phương quản lý để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, tết, cuối năm nhằm hạn chế tăng giá; Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới;
Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm cần phải xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiềm soát lạm phát. Cần sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong phối hợp chính sách vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung;
Tận dụng tốt các FTA để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng; Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chú trọng phát triển kinh tế số - xã hội số; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh; nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát trong trung - dài hạn.
Các Bộ, các ngành và các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả của các mặt, đặc biệt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,...) để có giải pháp ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước;
Chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.
“Cần xây dựng, thực hiện Chương trình bình ổn giá, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai chương trình bình ổn giá; Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các thương nhân mua bán các mặt hàng thiết yếu nhằm tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết thêm.
Hồng Quang