Kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Thị trường hàng hóa trong nước năm 2023 cơ bản bình ổn, nguồn cung hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm. Giá các mặt hàng thực phẩm, vật tư nông nghiệp không có biến động lớn, riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2023 đã duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để kiểm soát lạm phát. Đến cuối năm 2023,lạm phát tuy giảm nhưng vẫn cao hơn mục tiêu dài hạn của các ngân hàng trung ương.
Đối với tình hình trong nước, lạm phát có xu hướng tăng cao vào đầu năm sau đó theo xu hướng giảm dần và tăng nhẹ trở lại trong quý IV/2023. Thị trường hàng hóa trong nước năm 2023 cơ bản bình ổn, nguồn cung hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm. Giá các mặt hàng thực phẩm, vật tư nông nghiệp không có biến động lớn, riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung, chủ yếu do một số mặt hàng như xăng dầu, giá gas giảm khiến lạm phát chung giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản...
Nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2023 được Bộ Tài chính chỉ ra là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,46%.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24% do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao. Bên cạnh đó là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng đã tác động làm CPI tăng lên.
Bên cạnh đó là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng đã tác động làm CPI tăng lên.
Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa như xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông giảm giá, làm CPI chung giảm.
Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất.
Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện chủ động, điều hành giá mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023, các quý tiếp theo thực hiện linh hoạt theo diễn biến CPI với mức độ và liều lượng phù hợp.
Điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới, rút ngắn chu kỳ điều hành xuống còn 01 tuần. Ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá…
Nhận định năm 2024 khó khăn, thách thức còn rất lớn, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân từ 4-4,5%, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, năm 2024 khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn nội tại, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 – 4,5%. Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như: giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới, giá một số vật liệu xây dựng như thép có thể biến động do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu đầu vào.
Giá lương thực có thể tiếp tục tăng giá do nhu cầu gạo của một số quốc gia nhập khẩu gạo truyển thống của Việt Nam dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá vật tư nông nghiệp như phân u rê có thể tăng trong những tháng đầu năm 2024 theo xu hướng giá thế giới và nhu cầu cho vụ Đông Xuân muộn hơn những năm trước. Một số mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật mùa vụ vào thời điểm lễ, tết.
Cùng với đó, Bộ Tài chính dự báo, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét trong năm 2024, điều này cũng gây áp lực lên điều hành giá.
Đối với giá điện, Bộ Công Thương kiến nghị trong năm 2024 xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được thực hiện góp phần giảm chi phí đầu vào...
Tiến Hoàng