Áp lực đáo hạn sẽ gia tăng trở lại từ tháng 3
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm trong 2 tháng đầu năm nhưng sẽ tăng trở lại từ tháng 3/2024.
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu tháng 2 đến nay, có 2 đợt phát hành trái phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội, Công ty CP Vận Tải và xếp dỡ Hải An với tổng giá trị phát hành 2 lô nói trên là 1.550 tỷ đồng.
Về Trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 2/2024, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã mua lại 60 tỷ đồng trái phiếu.
Tính từ đầu năm đến 16/2, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt 7.589 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 58,9% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 4.473 tỷ đồng).
Theo VBMA, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng 1 với tổng giá trị khoảng 8.432 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 5 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong tháng 2/2024, thị trường sẽ có khoảng 1.826 TPDN riêng lẻ đáo hạn. Tháng 2 cũng là một trong những tháng có giá trị TPDN đáo hạn thấp nhất trong năm 2024, tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng trở lại từ tháng 3/2024.
VNDirect cho rằng, hoạt động đàm phán thay đổi kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ đã diễn ra sôi động trong tháng 1/2024. Tính đến ngày 31/1/2024, hơn 70 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị TPDN được gia hạn là hơn 120 nghìn tỷ đồng.
Thêm gánh nặng từ các lô trái phiếu doanh nghiệp chậm gốc/lãi được gia hạn
Trong năm 2024, ước tính có khoảng 279.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, với hơn 115.000 tỷ là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (chiếm 41,4%), tiếp theo là nhóm tổ chức tài chính với hơn 81.000 tỷ (chiếm 29%).
Ước tính giá trị chậm trả gốc/lãi bao gồm cả những trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn đạt mức 195 nghìn tỷ của 135 nhà phát hành cho đến ngày 31/12/2023, chiếm 16,13% tổng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành và 23,76% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng lưu hành tại đầu năm.
Về nhóm ngành, Bất động sản chiếm tỷ lệ chậm trả theo ngành lớn nhất (31%), tiếp đến là Năng lượng (47,1%) và Thương mại, dịch vụ (19,92%).
Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu ra đời, các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các phương án tái cấu trúc để xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt.
Số liệu FiinRatings cho thấy, có 61,9% giá trị trái phiếu doanh nghiệp tái cấu trúc với gia hạn gốc/lãi chiếm 77,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp tái cấu trúc là phương án được áp dụng phổ biến nhờ tính chất tối ưu chi phí và chỉ cần đồng thuận giữa hai bên liên quan, bên cạnh các phương án cần định giá phức tạp hơn như thanh lý tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản bất động sản hoặc quyền thu.
Một số lô trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận thay đổi các điều khoản như điều chỉnh lãi suất, bổ sung tài sản đảm bảo, cùng các cam kết khác. Trong giai đoạn tới, FiinGroup kỳ vọng tỷ lệ chậm trả sẽ tiếp tục tăng, song giá trị chậm thanh toán gốc/lãi trong năm 2024 sẽ thấp hơn so với năm 2023.
Chỉ tính riêng trong tháng 2/2024, dự tính sẽ có khoảng 4.880 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Các doanh nghiệp có lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong tháng này có thể kể đến như: CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang, CTCP Cá Tầm Việt Nam, CTCP DRH Holding,...
Trung Anh