Chuyên gia 'tiết lộ' yếu tố dẫn dắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi qua vùng đáy và đang phục hồi, dù có một số thách thức phía trước như giá trị trái phiếu đáo hạn đạt khối lượng kỷ lục, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ chính thức được triển khai đầy đủ,...
Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố tác động đến thị trường năm 2024, bao gồm tình hình vĩ mô, dòng vốn đầu tư và chính sách, quy định.
Thị trường trái phiếu đi qua thời "bùng nổ"
Theo Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), sau giai đoạn phát triển nóng với việc phát hành trái phiếu ồ ạt của loạt doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, thị trường trái phái doanh nghiệp đã bước vào chu kỳ mới.
Cụ thể, phân tích của VIS Rating, giai đoạn từ năm 2017-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp ngành bất động sản (chiếm tỷ lên 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu), ngân hàng (31%) và xây dựng (8%)…
“Các đợt phát hành trái phiếu tăng mạnh do chi phí huy động từ phát hành trái phiếu không đắt hơn so với vay ngân hàng trong khi không cần tài sản đảm bảo, không chịu sự giám sát khoản vay”, đại diện VIS Rating cho biết.
Đáng chú ý, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, quy mô phát hành của nhiều doanh nghiệp SPE (doanh nghiệp vỏ, được mở ra với mục đích huy động vốn) tăng đột biến từ mức 36 nghìn tỷ đồng năm 2018 lên 137 nghìn tỷ đồng năm 2021. Trong đó, hơn một nửa số SPE đã có vấn đề và có thể gây hệ lụy cho thị trường ở giai đoạn sau bởi đặc trưng của các SPE là không có dòng tiền thật hoạt động để trả nợ mà phải dùng dòng tiền khác để trả cho các khoản vay trái phiếu.
Giai đoạn từ năm 2021-nay, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh khi giá trị trái phiếu cậm trả gốc/lãi tăng vọt. Trong đó, nhóm bất động sản, xây dựng và tiện ích (chủ yếu là dự án năng lượng tái tạo) chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 23,5%; 24,8% và 21,9%.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành tạo hành lang pháp lý cho việc khắc phục chậm trả trái phiếu khi cho phép doanh nghiệp phát hành đàm phán với trái chủ và gia hạn nợ lên đến 2 năm. Theo đó, đến tháng 9/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán lên tới 59% và thời gian gia hạn bình quân lên tới 20 tháng.
Phát hành mới bắt đầu quay trở lại từ quý 2/2023 sau giai đoạn chững lại kể từ tháng 10/2022. Tuy vậy, VIS Rating lưu ý về chất lượng trái phiếu khi tỷ trọng SPE/tổng số trái phiếu phát hành vẫn ở mức cao (năm 2021: 27%, 2022: 26% và 2023: dự kiến 35%) và phương thức phát hành chủ yếu vẫn là phát hành riêng lẻ và ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính.
Dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư
Theo số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2023, có 81 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với khối lượng 269.500 tỷ đồng. Con số này tuy còn cách xa mức đỉnh 782.000 tỷ đồng của năm 2021, song đã cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ở mức cao hơn, đạt 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9%) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1%). Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu 6 tháng cuối năm 2023 gấp gần 6 lần nửa đầu năm. Riêng tháng 12/2023, có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng.
Nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 chiếm 92,4%, nhà đầu tư cá nhân chiếm 7,6%, cho thấy cơ cấu nhà đầu tư có sự thay đổi theo hướng bền vững hơn.
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023 tổ chức ngày 5/1/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý và xử lý, giải quyết vướng mắc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 đã mang lại những kết quả tích cực nói trên.
Theo đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP là một điểm sáng pháp lý, giúp tổ chức phát hành và trái chủ có công cụ để xử lý trái phiếu đáo hạn, thông qua giải pháp mua lại trái phiếu hoặc hoán đổi nợ trái phiếu thành tài sản khác, làm giảm căng thẳng đáo hạn trái phiếu, có tác dụng rất lớn đến việc ổn định thị trường trái phiếu năm 2023.
Đặc biệt, thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành từ tháng 7/2023 đã tạo sân chơi tập trung cho sản phẩm này, góp phần cải thiện tính minh bạch cũng như tăng tính thanh khoản cho trái phiếu và bước đầu tạo tham chiếu về lãi suất cho cả hoạt động sơ cấp và giao dịch thứ cấp. Hiện đã có trên 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký và giao dịch trên “chợ” trái phiếu.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện sai phạm, đồng thời với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bên tham gia thị trường đã góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng giảm, phổ biến trong thời gian gần đây từ 8 - 10%/năm. Một số doanh nghiệp cho biết, họ không huy động vốn bằng mọi giá, mà căn cứ vào tình hình thị trường để tính toán mức lãi suất huy động phù hợp. Ngược lại, nhà đầu tư trái phiếu cũng dần chuyển khẩu vị đầu tư trái phiếu từ chỗ ham lãi suất cao sang tiêu chí lãi suất thấp hơn nhưng an toàn, bằng cách chọn trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận xét, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi qua vùng đáy và đang phục hồi, dù có một số thách thức phía trước như trong năm 2024, giá trị trái phiếu đáo hạn đạt khối lượng kỷ lục (hơn 277.000 tỷ đồng), Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ chính thức được triển khai đầy đủ sau 1 năm giãn áp dụng một số quy định…
Yếu tố nào dẫn dắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024?
Đánh giá về triển vọng thị trường trong năm 2024, ông Simon Chen, Giám đốc khối xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating, cho biết năm 2024, có 3 yếu tố dẫn dắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Đầu tiên là tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần, đến từ lãi suất thấp khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 4 lần lãi suất trong năm 2023 và giúp cho doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn.
Thứ hai là các chính chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả hơn trong năm 2024, giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, cải thiện dòng tiền, từ đó giúp huy động vốn và khả năng phát hành cải thiện dần.
Bên cạnh đó, năm 2024, việc thực thi các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỷ luật hơn. Nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn. Cùng với đó là quy định chặt chẽ hơn chủ thể tham gia thị trường, bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và thị trường có phát triển hơn.
Thứ ba là với những thay đổi thị trường gần đây đã giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện dần. Khối ngân hàng sẽ là động lực cho phát hành mới cho thị trường khi lượng phát hành luôn lớn, chiếm khoảng 30-40% thị trường.
Nói về giải pháp cụ để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Chúng ta đang nỗ lực làm việc này. Trong đó, sau hàng loạt vụ việc doanh nghiệp vi phạm phải xử lý, Bộ Công an đang cố gắng tối đa thu hồi tài sản cho nhà đầu tư. Chúng tôi cũng đã kiến nghị giải quyết dứt điểm càng nhanh càng tốt vấn đề này”.
Về lâu dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Việc áp dụng đầy đủ Nghị định 65/2023/NĐ-CP sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành, nhưng sẽ tốt hơn cho thị trường, giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp khai mạc sáng nay (15/1/2024), kỳ vọng sẽ xử lý được vấn đề sở hữu chéo, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Tính liên thông giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản là vấn đề phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới, gây nên rủi ro hệ thống, bắt buộc phải có cơ chế điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, năm 2024, niềm tin sẽ trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Với những giải pháp cụ thể, cùng sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vững và thực chất, chất lượng được nâng lên một bước đối với cả tổ chức phát hành, nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư.
Hồng Quang