Sau khủng hoảng và chấn chỉnh: Trái phiếu doanh nghiệp kỷ luật hơn để phục hồi
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Từ bước đà của năm 2023, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao tại VIS Rating nhận định cơ hội để thị trường TPDN tăng trưởng trong năm nay là rất lớn.
Từng bước dần phục hồi
Trong Báo cáo đầu tư chiến lược năm 2024 của WiGroup, lũy kế từ đầu năm đến cuối năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 314.344 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022.
Trong đó, phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 270.170 tỷ đồng, chiếm 86% tổng giá trị phát hành và phát hành trái phiếu đại chúng đạt 44.174 tỷ đồng, chiếm 14%.
Còn theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%). Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.
Ước tính sẽ có khoảng 277,065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2024. Hiện số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng trong tháng 12/2023. Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.
Có thể thấy rằng sau năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 chững lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu hồi phục trở lại.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường trái phiếu năm 2023 vẫn có những điểm sáng như việc ban hành Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu; chính thức đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành tập trung,...
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá, bên cạnh hai yếu tố trên, thị trường TPDN còn được hưởng lợi từ các chính sách như có thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các vụ việc vi phạm TPDN được xử lý quyết liệt.
“Tuy còn rào cản nhưng thị trường TPDN đang phục hồi tích cực và niềm tin đang dần trở lại”, ông Lực cho hay.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho rằng, tâm lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ chậm trả nợ gốc, lãi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chậm lại kể từ quý II/2023, đặc biệt ở ba lĩnh vực chính bao gồm bất động sản, xây dựng và tiện ích.
Dư địa tăng trưởng lớn
Bước sang năm 2024, thị trường TPDN được dự báo sẽ “ấm” trở lại. Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, thị trường TPDN Việt Nam sẽ phát triển theo hướng kỷ luật và chặt chẽ hơn, từ đó giúp niềm tin với thị trường tiếp tục hồi phục.
Chia sẻ với VietnamFinance, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao tại VIS Rating, nhận định thị trường TPDN đã tiếp tục đà phục hồi với khối lượng phát hành mới tăng trở lại và số lượng trái phiếu chậm trả gốc lãi phát sinh mới giảm dần.
“Năm 2024, thị trường TPDN có cơ hội tăng trưởng mạnh. Từ góc độ quy mô, dư địa tăng trưởng của thị trường TPDN theo định hướng của Chính phủ là rất lớn. Quy mô thị trường TPDN hiện có khoảng 1,2 triệu tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành, tương đương với gần 12% GDP danh nghĩa của năm 2023. Trong khi đó, theo định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, quy mô tối thiểu của thị trường TPDN là 20% GDP vào năm 2025.
Như vậy, nếu thêm những biến số về tốc độ tăng trưởng GDP và lượng trái phiếu đáo hạn trong hai năm 2024 và 2025, ước tính dư địa tổng khối lượng phát hành mới TPDN trong 2 năm tới đây cần đạt là 2,1 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần quy mô thị trường hiện tại”, ông Duy nhận định.
Theo ông Duy, có 3 yếu tố tác động đến thị trường TPDN năm 2024, bao gồm tình hình vĩ mô, dòng vốn đầu tư và chính sách, quy định.
Rủi ro lạm phát và tỷ giá trong năm 2024 được đánh giá là không lớn, tình hình vĩ mô Việt Nam sẽ dần cải thiện trong năm 2024 nhờ đầu tư công, chi ngân sách ở mức cao kỷ lục. Đi cùng với đó những thay đổi tích cực về luật và nghị định được kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, bù đắp cho nhu cầu xuất khẩu yếu và cải thiện tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó giúp tăng khả năng trả gốc/lãi của tổ chức phát hành và đẩy mạnh lại hoạt động đầu tư dự án mới.
Tâm lý thị trường cũng đang dần hồi phục kể từ nửa cuối năm 2023. TPDN vẫn là một kênh đầu tư và huy động vốn quan trọng của thị trường tài chính. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp cũng sẽ tạo sự khác biệt về mặt lợi suất đầu tư và giúp kênh đầu tư TPDN hấp dẫn trở lại trong năm 2024, giúp huy động dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào thị trường TPDN trong năm 2024.
Ngoài ra, các chính sách và quy định có hiệu lực từ đầu năm 2024 như Nghị định 65 sẽ hạn chế dần những đợt phát hành trái phiếu kém chất lượng, giúp thị trường nhận diện rõ hơn các tổ chức phát hành trái phiếu có năng lực tài chính yếu, qua đó sẽ tạo ra một môi trường phát triển kỷ luật và bền vững hơn cho thị trường TPDN.
Tuy nhiên, ông Duy nhấn mạnh thị trường TPDN năm 2024 vẫn phải đối mặt với một số thách thức nhất định.
“Thị trường TPDN đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng chậm trả gốc/lãi trái phiếu trong 2 năm vừa qua, khiến các nhà đầu tư cần nhiều thời gian để có thể khôi phục niềm tin vào TPDN.
Ngoài ra, những yếu tố bất ổn từ bên ngoài tác động đến tình hình vĩ mô như xung đột địa chính trị hoặc các nền kinh tế lớn giảm tốc rất khó dự đoán và có thể tác động tới môi trường lãi suất thấp hiện tại của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức phát hành TPDN”, ông nói.
Khánh Tú