Xuất khẩu hàng Việt qua kênh bán lẻ ngoại: Cơ hội rộng mở
Các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, dệt may... đã, đang và sẽ tới tay hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu thông qua hệ thống phân phối, như Mega Market, Aeon, Carrefour, Walmart... Đó là nỗ lực rất lớn củ Việt Nam trong hành trình chinh phục thị trường toàn cầu, mang giá trị Việt vươn xa.
Nhờ việc bán hàng cho các siêu thị như Go, Tops Market, MM Mega Market… mỗi tháng, 75 tấn chanh của Cơ sở sản xuất Chanh Nguyên Loan lên đường "xuất ngoại" sang Thái Lan và Singapore. Giá trị trái chanh tăng 20% so với tiêu thụ nội địa.
Hơn 80% doanh số xuất khẩu của Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ Thực Phẩm Việt Nam cũng thông qua các hệ thống bán lẻ lớn ở nước ngoài. Doanh nghiệp cho biết, để chiếm lĩnh thị phần tại các chuỗi siêu thị ở Ba Lan, Mỹ, Thái Lan… hàng hoá phải vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe từ nguyên vật liệu tới quy trình sản xuất. Doanh nghiệp luôn bám sát các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng cơ hội.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện hàng Việt xuất khẩu qua chuỗi bán lẻ Nhật Bản Aeon đạt 250 triệu USD/năm. 46 triệu USD/năm qua chuỗi GO và Tops Market - Thái Lan. Một số siêu thị khác như Emart, MM Mega Market, Waltmart… cũng đạt từ vài triệu đến vài chục triệu USD mỗi năm. Các hệ thống này đều có kế hoạch tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 10 - 15%/năm.
Dù liên tục cải thiện mẫu mã, chất lượng và được sự hỗ trợ của các nhà bán lẻ nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc sản lượng không đủ do sản xuất manh mún khiến hàng Việt bỏ lỡ nhiều cơ hội vươn ra thế giới. Do vậy, từ nay tới cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo chí, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, ông Tạ Hoàng Linh, cho biết: "Hệ thống Thương vụ ở tất cả các nước trên thế giới đều vào cuộc tư vấn cho doanh nghiệp liên kết với nhau để cùng sản xuất ra sản phẩm, liên kết với nhau để cùng sản xuất ra công đoạn trong tổng thể chuỗi cung ứng".
Trong khi đó, đại diện Aeon Việt Nam, cho rằng tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của thế giới đã thay đổi. Thay vì tập trung vào giá cả, chất lượng, các nhà nhập khẩu quan tâm nhà cung cấp có xây dựng được mô hình sản xuất bền vững hay không.
Mặc dù xuất khẩu qua hệ thống phân phối còn nhiều tiềm năng, song theo phần lớn các nhà bán lẻ hoạt động này khá khó khăn vì các quy định chất lượng hàng hóa. Ở mỗi thị trường, sẽ có các thách thức và rào cản khác nhau từ kỹ thuật đến thương mại như một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, sẽ có những thách thức đến từ chính sách bảo vệ các mặt hàng nông sản nội địa.
Chẳng hạn ở các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ngoài các yêu cầu tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu, các sản phẩm của Việt Nam (gồm thanh long, bưởi, dừa) phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá giới hạn dư lượng tối đa cho phép. Các sản phẩm cung cấp phải có đủ mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Ngoài ra, nhà nhập khẩu cũng quan tâm về việc duy trì mức giá tốt nhất trên thị trường khi thu mua.
Hiện, nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, dệt may... tới tay hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu thông qua hệ thống phân phối, như Mega Market (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Carrefour (Pháp), Walmart (Mỹ)... Từ năm 2015, Bộ Công thương đã triển khai đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030”; nhằm hỗ trợ DN trong nước tham gia mạnh mẽ chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Để triển khai hiệu quả, Bộ Công thương tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ hiện đang có tại Việt Nam hay những đối tác đang quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp từ hệ thống phân phối hiện đại.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ các DN Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong năm 2023, Bộ này đã lên kế hoạch tổ chức chức và kết nối với nhiều sự kiện liên quan cung cầu hàng hoá ở cả trong nước và ngoài nước, đây là kỳ vọng để hàng Việt tăng tiếp cận cũng như mở rộng thị trường.
Ngoài sự kiện sự kiện kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại Thái Lan trong tháng 8, Bộ Công Thương sẽ mời bộ phận thu mua của các tập đoàn trên thế giới về Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện kết nối hàng hóa, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 9. Đây là những cơ hội trực tiếp cho doanh nghiệp Việt gia tăng đơn hàng giữa lúc khó khăn chồng chất.
Thái Đạt