0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 14/08/2023 15:24 (GMT+7)

Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu điện vào năm 2030

Theo dõi KT&TD trên

Theo mục tiêu đề ra trong quy hoạch điện VIII, chúng ta sẽ ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến năm 2030, đầu tư 134 tỷ USD cho nguồn điện, lưới điện

Theo đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương, tiến độ dự kiến và khối lượng xây dựng các công trình nguồn điện, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021- 2030 dự kiến là 113,3-134,7 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư cho phần nguồn điện khoảng 98,6-119,8 tỷ USD (87-88,9%) và vốn đầu tư cho lưới điện khoảng 14,6-14,9 tỷ USD (11,1-12,9%).

Vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đưa ra danh mục các dự án đầu tư công, dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu điện vào năm 2030
Đến năm 2030, đầu tư 134 tỷ USD cho nguồn điện, lưới điện.

Đối với các dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và tiến độ vận hành chưa xác định cụ thể được, Bộ Công Thương sẽ tiến hành làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng tiếp tục triển khai hoặc xem xét chấm dứt theo quy định.

Đối với các nguồn điện chạy nền, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh cung cấp điện (nguồn nhiệt điện chạy LNG nhập khẩu, khí trong nước, thủy điện lớn... ), cần được rà soát tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hàng năm/hàng quý để có đánh giá chính xác nhất về khả năng cung ứng điện quốc gia trong từng năm đến 2030 và đề xuất các giải pháp nếu bị chậm tiến độ.

Các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được phân bổ theo vùng. Quy mô công suất điện gió ngoài khơi sẽ được chuẩn xác trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể của các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được các địa phương quyết định căn cứ vào các yếu tố chính gồm: chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải điện và hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội các địa phương.

Các dự án điện mặt trời tập trung sẽ được tính toán quy mô công suất theo các địa phương căn cứ vào: Tính khả thi thực hiện, tiến độ triển khai thực tế; khả năng giải tỏa công suất của lưới điện khu vực địa phương; chi phí sản xuất điện quy dẫn, có xét đến chi phí truyền tải điện.

Các dự án điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, quy mô phát triển đạt khoảng 2.600MW năm 2030 theo nguyên tắc: Tính toán công suất điện mặt trời mái nhà tăng thêm phù hợp với quy mô phát triển tại Quy hoạch điện VIII; Công suất điện mặt trời mái nhà theo từng tỉnh trên cơ sở tính toán công suất tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà các khu công nghiệp.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khu vực công sở, nhà dân, kế hoạch là thực hiện theo lộ trình phấn đấu độ bao phủ đạt 50% số tòa nhà công sở và nhà dân vào năm 2030.

Kế hoạch cũng nêu rõ, đẩy mạnh việc ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,...) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000MW.

Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu năng lượng điện tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện mặt trời cho các nước láng giềng như Campuchia, Singapore... Tuy nhiên thách thức cho nền công nghiệp điện gió ngoài khơi đối với Việt Nam là công nghệ và kinh nghiệm triển khai.

Từ những quy định trên có thể thấy rõ, việc định hướng phát triển điện năng lượng tái tạo được đặc biệt quan tâm. Đây cũng là điều dễ hiểu để chũng ta đạt được cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Quy hoạch Điện 8 dự báo rằng, không phải điện mặt trời mà điện gió sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ với báo chí, Việt Nam hiện đã có nhiều chính sách để phát triển điện gió như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, các cơ chế về giá điện gió cũng như mới đây nhất là quy hoạch điện 8.

Theo đó, Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều vùng biển tiềm năng nên cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi. Ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…). “Năm 2030, xuất khẩu điện khoảng 5.000-10.000 MW”, ông Vy nói trong tọa đàm “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.

Để phát triển điện gió ngoài khơi, TS. Dư Văn Toán, chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện nay, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch không gian cho điện gió ngoài khơi để tránh xung đột, tranh chấp không gian biển với các ngành kinh tế khác, dân cư. Hay các chuỗi cung ứng như vốn, tài chính. Hạ tầng như cáp ngầm, truyền tải, hợp đồng mua bán điện… cho điện gió ngoài khơi…

“Cần có chính sách Quốc gia dài hạn về điện gió ngoài khơi như (luật, nghị định). Trong đó chỉ rõ đâu là cơ quan đầu mối, trình tự cấp phép như thế nào, quá trình thẩm định, thu hồi, gia hạn dự án và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ra sao. Đặc biệt cần có quy định kĩ thuật về quản lý rác thải, tái chế, thu gom rác thải từ năng lượng tái tạo (tấm pin mặt trời, tuabin gió, tuabin sóng..)”, ông Toán kiến nghị.

Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu điện vào năm 2030
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành hai nước chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa PTSC và Công ty Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore - Ảnh: VGP

Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu điện vào năm 2030

Để phát triển những tiềm năng vốn có, hiện thực mục tiêu xuất khẩu điện vào năm 2030, mới đây, nhiều địa phương đã kiến nghị sớm thẩm định đề án xuất khẩu điện. Cụ thể, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021 tỉnh được phê duyệt 1.000 MW điện gió. Trong đó, có 3 dự án, tổng công suất 100MW đã vận hành; 2 dự án chuyển tiếp; các dự án còn lại đang thi công hoặc xem xét chủ trương đầu tư.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những trở ngại khác, nhiều dự án điện gió trên địa bàn chậm tiến độ và không kịp vận hành trước ngày 1/11/2021; đến nay, một số dự án điện gió đã hoàn thành nhưng chỉ được vận hành với giá mua điện bằng 50% giá trần. Nhiều nước trong khu vực có nhu cầu lớn nhập khẩu điện từ Cà Mau. Trong đó Singapore đã phát hành hồ sơ yêu cầu nhập khẩu điện, với mục tiêu nhập khẩu 4.000MW năng lượng tái tạo đến năm 2035. Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu điện và đã hoàn thiện, trình Bộ Công Thương thẩm định vào cuối tháng 7 vừa qua.

Trước đó, cũng kiến nghị với đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay trên địa bàn 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liệu, Sóc Trăng còn tiềm năng và dư địa rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi và điện mặt trời khu vực ven biển).

Cụ thể, 3 tỉnh này có thể phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời xuất khẩu với tổng quy mô công suất từ 26.000 - 36.000 MW. Trong đó, Bạc Liêu dự kiến 10.000MW điện gió ngoài khơi và 6.000 MW điện mặt trời.

Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, ngoài phần phát triển phục vụ nhu cầu điện trong nước, còn có thể xuất khẩu điện "sạch" sang các nước lân cận, trong đó Singapore là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu điện "sạch" lớn nhất. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Đoàn Giám sát đặc biệt quan tâm ủng hộ, cùng với Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT tạo điều kiện thúc đẩy, hiện thực hóa các dự án xuất khẩu điện, góp phần mang lại lợi ích cho quốc gia.

Chia sẻ cụ thể về việc xuất khẩu điện sang Singapore, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường hiện nay, hiện nay, các nước ASEAN đang triển khai chương trình liên kết lưới điện nên việc hợp tác xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Singapore sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa chương trình này.

Chính phủ Singapore hiện cũng tham gia liên kết lưới điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS) và đã tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua lưới điện LTMS. Với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu thì nhu cầu về điện sạch của các quốc gia sẽ ngày càng gia tăng.

Trong khi đó Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, về mặt kỹ thuật, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 599 GW).

“Chúng tôi nhận thấy dự án là cơ hội cho các nước có liên quan cùng tham gia cũng như có thể xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án.” ông Lê Mạnh Cường nói.

Cụ thể hơn, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết, để đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Singapore có kế hoạch nhập khẩu 30% nhu cầu điện năng vào năm 2035 từ các nguồn năng lượng sạch cũng như đưa ra lộ trình đánh thuế carbon lũy tiến tăng dần, từ S$5/tCO2e (tấn CO2 quy đổi) hiện nay lên $25/tCO2e vào 2024 - 2025, $45/tCO2e vào 2026 - 2027, tiến tới mức $50-80/tCO2e vào 2030.

Cùng với khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư thì trong tương lai giá điện từ các nguồn phát thải nhiều carbon truyền thống sẽ ngày càng gia tăng. Hiện nay các nước, các doanh nghiệp đều có nhu cầu về năng lượng xanh (như trường hợp của LEGO khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam) và chỉ có năng lượng xanh mới giải quyết được bài toán tín chỉ carbon.

Nhu cầu về năng lượng xanh sẽ ngày càng gia tăng nhanh chóng. Do vậy các doanh nghiệp, các nước như Singapore sẽ sẵn sàng trả chi phí tương xứng cho nguồn năng lượng xanh này. Điều này giúp giải quyết lo ngại về khoảng cách giữa hai quốc gia khá xa có thể làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá điện.

Từ đó, Tổng Giám đốc PTSC đánh giá, nếu thuận lợi năm 2030 chũng ta có thể xuất khẩu điện

Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu điện vào năm 2030
Để chuẩn bị cho dự án hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore, PTSC đã tìm hiểu nhiều mô hình trang trại điện gió ngoài khơi tại các nước có ngành điện gió phát triển. (Ảnh: Chuyến khảo sát một mô hình điện gió ngoài khơi của PTSC tại Na Uy.)

Về lộ trình triển khai dự án, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường chia sẻ, một dự án điện gió ngoài khơi thường phải mất tối thiểu từ 5-7 năm triển khai mới có thể phát điện thương mại. Hiện nay, đã nộp hồ sơ xin khảo sát lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trường hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép chúng tôi được tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện thì chúng tôi sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại vào năm 2030.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu điện vào năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Công an Thừa Thiên Huế khẩn trương ứng phó với bão số 4
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão, Công an nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động tham mưu phương án, kế hoạch và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, ứng phó tình hình mưa, bão.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.