Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tăng khi Vương Quốc Anh gia nhập CPTTP
Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTTP mang cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh nói riêng và thị trường CPTPP nói chung.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 2,66 tỷ USD, giảm 0,6%. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 2,05 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt gần 2,36 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng, dẫn đầu tốc độ tăng lần lượt là: Giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 118,3%; sản phẩm từ cao su 42,9%; điện thoại và linh kiện các loại tăng 38,4%; rau quả tăng 31,5%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác + 21,8%; hạt điều tăng 9,6%; giầy dép các loại tăng 7,1%, sản phẩm chất dẻo tăng 3,6%.
Trong đó, các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (23,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (14,8%); Giày dép các loại (13,1%); hàng dệt may (10,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,1%; hàng thủy sản 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ 3,2%.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ của Việt Nam.
Theo ông Linh, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ bổ sung cho FTA giữa Anh và Việt Nam (UKVFTA) hiện có, đồng thời nâng cấp mối quan hệ thương mại song phương với các mức thuế ưu đãi bổ sung. Đặc biệt, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường, bởi các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thailand… đều chưa tham gia CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Thực tế những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những bước phát triển rất tích cực, trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại là một trụ cột quan trọng. Do đó, việc Anh gia nhập CPTPP không chỉ đánh dấu một mốc mới đối với sự phát triển của hiệp định, cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), CPTPP sẽ bổ sung thêm khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước.
Đây là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng là thách thức của các DN bởi tiêu chuẩn về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm,… của thị trường khá cao. Để có thể phát triển ổn định lâu dài tại thị trường này, các DN Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lượng kế hoạch kinh doanh, xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng lưu ý, các hiệp hội ngành hàng cần duy trì, phát triển mối quan hệ với Bộ Kinh doanh và thương mại Anh và các bộ ngành, cơ quan quản lý liên quan đến thương mại của Vương quốc Anh để tiếp cận nắm bắt chính sách của thị trường này.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường tìm hiểu và cung cấp cho DN Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.
Trước đó, Vương quốc Anh đã ký kết thỏa thuận gia nhập và chính thức trở thành thành viên của khối thương mại hiện đại và đầy tham vọng, bao gồm 12 nền kinh tế trên khắp khu vực châu Á, Thái Bình Dương và giờ là châu Âu.
Nguyễn Tuấn