Xuất khẩu gạo tự tin với mục tiêu 5 tỷ USD
Đơn hàng xuất khẩu gạo đang dồi dào, sản xuất tiếp tục ổn định, và giá gạo xuất khẩu vẫn giữ đà tăng. Những yếu tố này cho thấy mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm tay, và thậm chí có thể vượt qua mục tiêu đề ra.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Điều đáng nói, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm nay tăng cao vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam hơn 6 tháng qua có mức cao kỷ lục: 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của 6 tháng đầu năm 2023.
Theo VFA, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... ở mức cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Đáng chú ý, gạo Việt Nam được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, gạo ST25 đã liên tiếp 2 lần được vinh danh "Gạo ngon nhất thế giới". Trong các tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất thế giới, vượt qua Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong 30 năm trở lại đây, nền nông nghiệp của chúng ta đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội, tạo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp gần 12% GDP của quốc gia (năm 2023).
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ thêm, 5 năm trở lại đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các tỉnh thành và nông dân, doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu về nâng cao chất lượng gạo lên. Nhờ đó, gạo Việt Nam giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.
Theo dự báo, thế giới sẽ thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Một số nước hạn chế xuất khẩu, trong khi một số quốc gia lại tăng cường nhập gạo để dự trữ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện nay, tại các nước có các ngành hàng xuất khẩu chiến lược quy mô quốc gia và quốc tế như ngành cọ dầu ở Malaysia, ngành cà phê ở Brazil, ngành lúa gạo ở Thái Lan… bên cạnh các tổ chức của người sản xuất kinh doanh như các hiệp hội, nghiệp đoàn, liên hiệp hợp tác xã... còn có mô hình “Hội đồng ngành hàng” hay “Ban điều phối ngành hàng” ở cấp Quốc gia. Đây là thể chế có sự gắn kết giữa các cơ quan bộ ngành của nhà nước với các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong chuỗi giá trị (nông dân, đến người chế biến, người kinh doanh) và giữa các địa phương tham gia sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ giải quyết các vấn đề lớn, tổng thể của ngành; tư vấn cho lãnh đạo Chính phủ chương trình chính sách lớn.
Hiện, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Các chuyên gia kỳ vọng, thời gian tới, với vai trò “nhạc trưởng” cho ngành lúa gạo, hội đồng sẽ góp phần tham vấn và tham mưu cho Chính phủ về thị trường, sản lượng lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gia tăng xuất khẩu cũng như thu nhập của người trồng lúa. Hội đồng sẽ tạo nên mối liên kết trong chuỗi giá trị, từ chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đến thị trường đầu ra nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.
Dù xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc song, nhiều ý kiến cho rằng, ngành hàng này vẫn bộc lộ những hạn chế, trong đó, hạn chế lớn nhất là việc các thương nhân chưa chú trọng liên kết, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gạo, do đó còn tình trạng nông dân có lúa nhưng không biết bán cho ai, đầu ra hết sức bấp bênh, còn ngược lại, DN muốn mua cũng không biết mua ở đâu được đúng sản phẩm theo yêu cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo còn qua thương lái nên gây phát sinh chi phí trung gian.
Chính bởi vậy, theo các chuyên gia trong ngành, để ngành sản xuất lúa gạo phát triển ổn định, bền vững, rất cần giải tỏa những hạn chế, bất cập nói trên. Theo đó, các DN cần liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Nằm trong top các cường quốc xuất khẩu gạo, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây chính là phân khúc quyết định sự phát triển bền vững đối với ngành hàng lúa gạo.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến đội ngũ thương lái. Khẳng định vai trò của đội ngũ thương lái, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, thương lái có điểm mạnh, điểm hay, vì thế các hợp tác xã cần có sự kết hợp để làm dịch vụ cho DN. “Cần xem thương lái như một đối tác đồng hành với nông dân, DN. Ở đây có thể thấy vai trò của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo có thể tập hợp các thương lái này vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện” – ông Hải nêu quan điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc gắn thương lái vào chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo là điều cần thiết. Khi thương lái tham gia vào chuỗi ngành hàng lúa gạo sẽ làm gia tăng 20% giá trị. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người nông dân bị ép giá, thương lái nên làm luôn khâu cung cấp đầu vào, cung cấp phương tiện cơ giới khai thác lúa thay cho “cò lúa”. Bởi, khi thương lái thông qua “cò lúa” để tìm đến người trồng lúa hoặc để tìm thuê phương tiện cơ giới, thì các chi phí phát sinh sẽ được thương lái trừ vào giá mua lúa.