0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 22/05/2024 07:24 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu duy trì đà tăng trưởng

Theo dõi KT&TD trên

Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường các nước khu vực Liên minh châu Âu (EU), mang lại kết quả tích cực cả về doanh thu và thị phần.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 do Bộ Công Thương vừa công bố cũng cho hay, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).

Châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt 6,1 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt gần 133 nghìn tấn; trong đó, khối EU đạt 109.091 tấn, tăng 15,4% tương đương 14,5 nghìn tấn so với năm 2022. 

Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã có doanh thu tốt nhờ phát triển thị trường xuất khẩu sang EU. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU, nhờ việc đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.

Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường EU. Ảnh: HĐ. 

Trong khuôn khổ thực thi EVFTA đang triển khai, hiện nay có 9 giống gạo thơm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Danh mục này được xây dựng từ trước 2015 (khi kết thúc đàm phán EVFTA). Sau gần 4 năm triển khai thực hiện hiệp định, Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh danh mục gạo thơm để xuất khẩu vào EU với mức thuế là 0% theo hạn ngạch để phù hợp với thực tế xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay.

Việc đàm phán điều chỉnh bổ sung danh mục gạo thơm đang được Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) làm việc với phía EU. Mức tiêu thụ hàng năm bình quân đầu người ở EU khoảng 6 kg, trong khi đó mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên toàn cầu vào khoảng 54 kg/người. Các chuyên gia nhận định, EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 - 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Tuy nhiên, thị trường này có nhiều tiêu chuẩn khắt khe và khó tính, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội; gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng… Đáng chú ý, những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường. Đây được coi là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh. EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU mới đạt được các hợp đồng bán gạo có giá trị cao và trong thời gian dài. 

Theo dự báo từ đại diện các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, trong các tháng tiếp theo năm 2024, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục sôi động và đạt được một số kết quả tích cực như các nước nhập khẩu gạo tiếp tục tăng, giá bán cao,...

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường xuất khẩu. 

Khu vực châu Á - châu Phi được xem là thị trường xuất khẩu quan trọng của gạo Việt Nam; trong đó có những thị trường lớn như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà…khu vực châu Á – châu Phi là thị trường rộng lớn với tổng cộng 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, có dân số hơn 6,5 tỷ người, chiếm khoảng 80% dân số toàn thế giới.

Trong tổng số 8,3 triệu tấn gạo mà Việt Nam đã xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu gạo sang châu Á – châu Phi đã chiếm 90%, tương đương khoảng 7,34 triệu tấn, giá trị hơn 4,1 tỷ USD. Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục có tín hiệu tốt và ghi nhận tăng trưởng. Đối với thị trường Philippines, trong năm 2024 được dự báo có xu hướng tăng trưởng chậm và giảm thị phần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, lòng tin và có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu nước này. Đây là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục duy trì và phát huy.

Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nước bạn đã cho phép khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu gạo vào thị trường này. Các dòng gạo thơm, cao cấp, gạo ST của Việt Nam đang là những dòng được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đang có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các sản phẩm gạo có mặt tại thị trường này đều có chất lượng tương đối cao.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu Âu – châu Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhưng các chuyên gia đánh giá đây là khu vực thị trường tiềm năng. Châu Mỹ - châu Âu là khu vực có những thị trường được đánh giá là rất khắt khe và khó tính nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm dùng cho người. Đặc biệt là các thị trường như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu có rất nhiều quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội,... 

Những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn. Đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường. Đây được xem là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phi cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh.

Để tiếp tục khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2024 vào thị trường có yêu cầu cao, việc xuất khẩu gạo sang khu vực Âu - châu Mỹ cần tiếp tục phát triển theo hướng trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp. Chiến lược phát triển ngành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế. Các doanh nghiệp cần tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu - châu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao, đặc sản, đặc trưng và có thương hiệu của Việt Nam (như ST24, ST25) và phát triển các sản phẩm chế biến làm từ gạo như: phở, bún, bánh đa,.. sẽ có thể mang lại hiệu quả và tiềm năng tốt hơn.  

Hồng Diệp

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu duy trì đà tăng trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Vải thiều Việt Nam "cháy hàng" tại Úc: Nỗ lực xúc tiến thương mại mang lại quả ngọt
Vải thiều Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường Úc, đặc biệt là tại chuỗi siêu thị bán sỉ Costco. Sự kiện này đánh dấu thành công của nỗ lực nhiều năm từ Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc và nhà nhập khẩu 4waysfresh trong việc quảng bá và đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Ớt Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân
Thị trường ớt Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ xuất khẩu sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA). Điều gì đã khiến loại quả được mệnh danh là "một vốn mười lời" này trở nên hấp dẫn đến vậy trên thị trường tỷ dân?

Tin mới