Từ 1/7/2024, giá tiêu dùng có khả năng "leo thang" do thực hiện cải cách tiền lương
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng do thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá điện.
Theo Bộ Công thương, tháng 4 vừa qua, thị trường bán lẻ sôi động do do có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng. Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá heo hơi tăng nhẹ.
Trong tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 522,1 ngàn tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Bốn tháng đầu năm ước đạt 2.062,3 ngàn tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 238 tỉ USD, tăng 15,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỉ USD.
Từ tháng 5, sẽ bước vào cao điểm nắng nóng, có nhiều nơi nắng nóng gay gắt gây ra tình trạng khô hạn trên diện rộng. Điều này dẫn đến nhu cầu điện, xăng sẽ tăng đột biến.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024, các cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hưởng lương hưu chính thức được áp dụng mức lương tăng mới. Trong đó, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Lương hưu cũng được điều chỉnh tăng 12,5% và 20,8% đối với nhiều đối tượng.
Về việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Quyết định số 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần kể từ ngày 15/5/2024.
Theo thống kê, lũy kế bốn tháng sản lượng điện đã tăng 12,3% so với cùng kỳ, vượt kịch bản cao 8%-9% được dự báo cuối năm 2023; một số khu vực tăng sản lượng đến 35%-36%.
Do đó, chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới.
Trước tình hình giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau 1/7, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Ngoài ra, Bộ Công thương tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng diễn biến của thị trường xuất khẩu để DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Phát triển dịch vụ logistics, hỗ trợ DN chuyển mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu...
Chia sẻ trên báo VietNamNet, chuyên gia lao động - tiền lương Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mức lương được điều chỉnh tăng theo chỉ số tiêu dùng (CPI).
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 vừa qua, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, điều hành quản lý giá là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Một số giải pháp về điều hành giá cụ thể đã được Bộ Tài chính đưa ra như: bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu.
Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp từng thời kỳ.
Hà My