Trong năm 2024 ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5 tỉ USD
Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 được tổ chức vào ngày 21/12/2023 do Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn mà ngành tiếp tục phải đối mặt, đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành. Cùng với tăng cường liên kết doanh nghiệp với chuỗi giá trị thủy sản, gỡ thẻ vàng của EC và kết nối thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, ngành tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho thủy sản: Phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang.
Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy. Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng xanh, thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới”.
Trong năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Riêng sản lượng khai thác chưa đạt chỉ tiêu đề ra là phải giảm còn 3,68 triệu tấn. Về nuôi trồng, riêng nuôi biển đạt khoảng 9,5 triệu m3 lồng, tăng 5,5% so với năm 2022, cùng với 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt khoảng 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Giá trị xuất khẩu thủy sản tập trung vào: tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...
Dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2024, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước và xuất khẩu thủy sản chưa có chiều hướng tích cực ở năm sau. Nguyên nhân do nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng”, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục...
Để khắc phục, năm 2024, ngành Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với ước năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD.
Về vấn đề thị trường, để vượt qua khó khăn, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác cần truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp trữ lượng nguồn lợi, bảo đảm an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.
Bên cạnh đó, ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới, từ đó giúp xuất khẩu thủy sản bền vững, ổn định, tăng giá trị...
Tiến Hoàng