Tranh chấp tại các nhà chung cư của Thủ đô: Giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích của cư dân
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc xử lý phản ánh của một số cơ quan báo chí đối với những tranh chấp, khiếu kiện, tình trạng quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí có các bài viết phản ánh về tình trạng tranh chấp khiếu kiện liên quan đến nhà chung cư như: Chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ cho cư dân, chậm thành lập Ban quản trị nhà chung cư, chậm bàn giao quỹ bảo trì; Ban quản lý tòa nhà tự ý khóa thang máy, tạm ngừng vệ sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cư dân; Ban quản trị lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập khống hợp đồng, chia nhỏ gói thầu, nghiệm thu khống khối lượng, tự ý chi sai quỹ bảo trì… gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của dân tại một số nhà chung cư trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Nhận thấy các nội dung bài báo phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giải quyết tranh chấp tại các nhà chung cư mà cơ quan báo chí nêu, cũng như các nhà chung cư khác trên địa bàn. Đồng thời, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân sống trong nhà chung cư.
Theo tìm hiểu, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là phường có số dân thuộc Top đông nhất Thủ đô với gần 100 tòa chung cư, thời gian qua bùng nổ tranh chấp, hình ảnh băng rôn, khẩu hiệu đỏ rực tòa nhà phản đối chủ đầu tư. Có thể kể đến như: Chung cư Phương Đông Green Park (số 1 Trần Thủ Độ); chung cư Osaka Complex (ngõ 48 Ngọc Hồi); chung cư Rose Town (79 Ngọc Hồi)…
Tiếp đó, tại tổ hợp chung cư GoldenLand – NO1 (nơi có đến 713 căn hộ với khoảng 3.000 nhân khẩu ở phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) có sự việc cư dân tố cáo Ban quản trị khóa 3 thiếu công khai, minh bạch, có dấu hiệu trục lợi khi thực hiện các gói thầu sửa chữa, bảo trì tòa nhà.
Hà Khánh