TP.HCM: Đề xuất thí điểm cho thuê căn hộ chung cư ngắn ngày từ 1/9
Các chủ căn hộ cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn ngày nhà chung cư đang rất vui mừng với đề xuất thí điểm triển khai mô hình này trong 12 tháng.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa kiến nghị UBND thành phố cho phép thí điểm mô hình cho thuê căn hộ chung cư lưu trú ngắn hạn. Theo đề xuất, chương trình thí điểm sẽ áp dụng tại các căn hộ thuộc những tòa chung cư có hệ thống kỹ thuật đảm bảo như điện, nước, thang máy, phòng cháy chữa cháy và xử lý rác thải, được xây dựng đúng theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian triển khai chương trình thí điểm này trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/9/2025.
Để tham gia thí điểm, các chủ hộ phải đáp ứng một số điều kiện. Đầu tiên, việc cho thuê phải được Hội nghị nhà chung cư đồng thuận và thông qua nội dung điều chỉnh phí quản lý vận hành phù hợp. Chủ căn hộ cần đăng ký mục đích sử dụng với chính quyền địa phương, ban quản trị và đơn vị vận hành tòa nhà.
Bên cạnh đó, chủ nhà có nghĩa vụ khai báo thông tin lưu trú của khách thuê, đảm bảo tuân thủ các quy định về du lịch, cư trú, thuế, phòng cháy chữa cháy và bảo hiểm. Hoạt động cho thuê cũng phải đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cư dân khác. Trường hợp chủ căn hộ vi phạm các quy định trên sẽ bị xử lý hành chính, nếu tái phạm nhiều lần có thể bị tạm ngừng thí điểm.

Về giải pháp lâu dài, sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả và tác động của mô hình, làm cơ sở kiến nghị các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung quy định trong Luật Nhà ở, Luật Du lịch và các văn bản liên quan.
Đây thật sự là tin vui với những người cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn hạn tại TP.HCM. Trước đó, vào tháng 2.2025, UBND TP.HCM đã ban hành Quy định về quản lý và sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Thành phố không cho phép dùng căn hộ cho thuê lưu trú du lịch (thuê ngắn hạn, theo ngày, giờ, Airbnb...) trong các dự án chung cư. Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải nhiều phản ứng từ nhà đầu tư dịch vụ lưu trú Airbnb và các hộ dân sở hữu chung cư.
Chị Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc kinh doanh của một đơn vị môi giới chuyên về loại hình Airbnb ở TP.HCM cho biết, đề xuất của Sở Xây dựng đã ghi nhận các đóng góp của mô hình lưu trú ngắn hạn đối với du lịch, kinh tế thành phố và vai trò của mô hình kinh tế từ thực tiễn của nhiều quốc gia.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, việc cấm mô hình lưu trú Airbnb cũng kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế cho TP.HCM. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội này, thành phố có 24 tòa nhà với hơn 8.750 căn hộ chung cư đang kinh doanh mô hình Airbnb.
Việc cấm kinh doanh lưu trú ngắn ngày trong chung cư khiến các chủ sở hữu căn hộ bị thiệt hại nặng nề, bị mất nguồn khách du lịch, khách vãng lai có nhu cầu thuê nhà ngắn hạn. Việc chuyển hướng sang cho thuê nhà dài hạn khó khăn khi số lượng căn cần chuyển đổi là quá lớn.
Đồng thời, hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn hạn đang tạo việc làm cho gần 17.500 người lao động trên địa bàn. Nếu cấm mô hình này hoạt động đồng nghĩa số lao động trên sẽ thất nghiệp và mất nguồn thu.
Theo một số chuyên gia, việc Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị thí điểm mô hình cho thuê căn hộ chung cư lưu trú ngắn hạn là một bước đi phản ánh xu thế linh hoạt hóa mô hình sử dụng nhà ở trong đô thị lớn. Trong bối cảnh nhu cầu lưu trú ngắn hạn tại TP.HCM ngày càng tăng, nhất là từ du lịch, công tác, làm việc thời vụ…, đây là một đề xuất hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường thực tế.
Tuy nhiên, việc cho thuê ngắn hạn tại căn hộ chung cư từng vấp phải nhiều tranh cãi, đặc biệt liên quan đến an ninh, phòng cháy chữa cháy, quản lý dân cư ra vào và tác động đến sinh hoạt của cư dân lâu dài. Việc chỉ thí điểm tại những chung cư có hệ thống kỹ thuật đảm bảo, được xây dựng đúng hồ sơ thiết kế cho thấy Sở Xây dựng đã có cân nhắc kỹ về yếu tố an toàn và pháp lý.
Việc triển khai trong khung thời gian 12 tháng từ 1/9/2025 sẽ là cơ hội để đánh giá đầy đủ tính khả thi, tác động xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, để chủ trương này thành công, thành phố cần xây dựng quy chế giám sát rõ ràng, phối hợp giữa chính quyền, ban quản lý tòa nhà và lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm thuế, bảo hiểm, quản lý an ninh và phòng chống cháy nổ, tránh tình trạng “biến tướng” thành mô hình lưu trú không phép, gây bất ổn trong cộng đồng dân cư.
Nếu được thực hiện hiệu quả và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, mô hình cho thuê ngắn hạn trong chung cư hoàn toàn có thể trở thành kênh khai thác giá trị bất động sản mới, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa và kinh tế chia sẻ đang ngày càng phát triển.