Tiêu thụ vải thiều năm 2023: Mở rộng nội địa, khơi thông nước ngoài
Theo đánh giá của các cơ quan tỉnh Bắc Giang, với thời tiết thuận lợi, năm nay Bắc Giang sẽ tiếp tục có vụ vải thiều được mùa với sản lượng ước đạt khoảng 180-200 nghìn tấn. Các phương án tiêu thụ vải thiều đang được Bắc Giang tích cực chuẩn bị.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Có thể khẳng định, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của vải thiều Bắc Giang. Tuy nhiên, với chính sách thắt chặt giao thương, hạn chế Covid-19 của Trung Quốc trong năm 2022, vải thiều Bắc Giang đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tỷ lệ xuất khẩu vải thiều chỉ đạt khoảng 43%. Với diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay, trên thế giới và đặc biệt là Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách “Zero Covid” đã mở rộng đường cho xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Năm nay, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 96 nghìn tấn, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng khoảng 15% so với năm 2022.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại cho quả vải thiều. Đặc biệt, Sở Công Thương Bắc Giang cũng sẽ tổ chức một loạt các sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ. Trong đó, đáng chú ý là Bắc Giang sẽ đăng ký chuyên đề xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước, thị trường Trung Quốc và các nước trên thế giới tại Hội nghị giao ban giữa Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tại thị trường Trung Quốc, lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức quảng bá hàng nông sản tại Hội chợ hàng hóa Trung Quốc - Việt Nam (thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc).
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, địa phương này đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn liên kết, mời gọi các thương nhân Trung Quốc đến tìm hiểu, kết nối tiêu thụ vải thiều. Nhờ đó, đã có hơn 110 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến địa bàn thu mua vải thiều. Đối với thị trường Hoa Kỳ, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Công Thương Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị giao thương xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào thị trường này. Với 17 mã số vùng trồng đã được Hoa Kỳ cấp mã số, diện tích khoảng 205ha, vụ vải thiều năm nay Bắc Giang dự kiến xuất khẩu sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này khoảng 1.500 tấn.
Một thuận lợi nữa là việc ga Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) chính thức trở thành ga liên vận quốc tế tạo điều kiện cho vận chuyển xuất khẩu trở nên đa dạng, nhanh chóng hơn. Đây chính là những điều kiện mở rộng cửa cho vải thiều xuất khẩu năm nay.
Thị trường nội địa: Nam tiến
20% sản lượng vải thiều của toàn huyện Lục Ngạn, tức là khoảng 21 nghìn tấn vải thiều đã được tiêu thụ qua chợ đầu mối Thủ Đức trong vụ mùa năm 2022 đủ nói lên sức hấp dẫn của thị trường miền Nam. Chính vì vậy, miền Nam tiếp tục là thị trường quan trọng trong chiến lược xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Giang năm nay. Các địa phương có vải thiều, đặc biệt là huyện Lục Ngạn - thủ phủ vải thiều đã chủ động tổ chức các Đoàn công tác Nam tiến để làm việc với các chợ đầu mối hoa quả tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi về bến bãi, thủ tục, chi phí khác cho vải thiều Bắc Giang. Theo ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, các đơn vị quản lý chợ và chính quyền địa phương các tỉnh phía Nam mà huyện đến đặt vấn đề đều sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ việc tiêu thụ vải thiều.
Một điểm nhấn trong vụ vải thiều năm nay tại Bắc Giang là huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” nhằm thu hút khách du lịch đến với vùng vải, thông qua đó quảng bá vải thiều đến nhiều đối tượng khách hàng. Dự kiến, chương trình sẽ được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7 tại trung tâm huyện, nhà vườn, hợp tác xã được chọn làm du lịch mùa vải thiều. Các hoạt động chính của chương trình du lịch đặc biệt này gồm: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt các chương trình truyền thông về du lịch mùa vải chín; sản xuất các clip ngắn giới thiệu về du lịch vải thiều Lục Ngạn đăng tải trên youtube và mạng xã hội zalo, facebook; in tờ gấp quảng bá du lịch Lục Ngạn…
Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức thi hái vải, bó vải, đóng vải dưới sự cổ vũ của các đại biểu, du khách. Tổ chức các tour du lịch trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng cao… Các hợp tác xã tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh, tự tay hái vải tại vườn; thi hái quả vải bằng tay (hoặc kéo chuyên dụng). Tổ chức team building tại vườn vải, chế biến món ăn từ vải, trải nghiệm làm mỳ Chũ, giao lưu văn nghệ, trình diễn dân ca tại điểm du lịch. Đồng thời, xem xét, liên kết tổ chức giải đua thuyền trên hồ làng Thum, hồ Bầu Lầy; thả diều nghệ thuật tại núi khu vực chùa Am Vãi…
Chương Huyền