0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 24/11/2023 11:31 (GMT+7)

Thủ tướng: Chỉ đạo tiếp tục thực quyết liệt thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản

Theo dõi KT&TD trên

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản- Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững. Ảnh VGP

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng

Thời gian qua, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Qua đó, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước đi vào ổn định, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện hạ lãi suất điều hành, chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản; triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và tích cực đôn đốc các địa phương thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", thúc đẩy hoạt động hiệu quả các sàn giao dịch bất động sản và tích cực xây dựng mô hình sàn giao dịch bất động sản điện tử.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản- Ảnh 2.

Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, kịp thời, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn với đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024; chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; không để bị động, bất ngờ và tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản- Ảnh 3.

Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường, yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ theo đúng quy định pháp luật hiện hành, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2023 và các văn bản có liên quan quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; đánh giá rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời theo quy định của pháp luật theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 3580/VPCP-KTTH ngày 02 tháng 10 năm 2023, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Khẩn trương phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tổng thể các quy định pháp luật có liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xác định rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, quyết định theo thẩm quyền và nếu vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền quyết định và kiến nghị phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành cụ thể, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ ngay trong đầu tháng 12 năm 2023.

Chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, giám sát liên thông, chủ động theo dõi, có giải pháp, biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, toàn diện việc tuân thủ pháp luật, không để trục lợi, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm, vi phạm quy định pháp luật; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền; đảm bảo thị trường hoạt động đúng quy luật thị trường, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan chú trọng thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là về tình hình, định hướng phát triển của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, hội nhóm, kênh thông tin xã hội tuyên truyền đưa tin xuyên tạc, không chính xác, gây kích động người dân; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản- Ảnh 4.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2023, Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định pháp luật, bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền... nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...), kiểm soát tín dụng chặt chẽ, xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; trong đó phát huy hơn nữa vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại nhà nước và khuyến khích, động viên, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả thúc đẩy sự tham gia tích cực, sáng tạo của các ngân hàng thương mại cổ phần. Hướng dẫn, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2023 về kết quả triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6745/VPCP-CN ngày 31 tháng 08 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.

Thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng cường hơn nữa kết nối, chia sẻ minh bạch thông tin, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa ngân hàng - doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; phát huy tinh thần, trách nhiệm xã hội, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau, đạo đức kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp của các ngân hàng thương mại trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế và trong tham gia thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư, văn bản quy định có liên quan để theo thẩm quyền chủ động, kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định, nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tế, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của pháp luật, dứt khoát không để bị đứt gãy, thiếu kịp thời, thiếu chủ động trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách tín dụng đang có hiệu quả hoặc sẽ có hiệu quả bền vững, lâu dài, phù hợp thực tế.

Chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực, hiệu quả, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời những ngân hàng thương mại đưa thêm các điều kiện yêu cầu không khả thi, không đúng quy định, gây khó khăn, phiền hà cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản- Ảnh 5.

Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bảo đảm khả thi, sát thực tế, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh.

Đồng thời, chủ động xây dụng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật nêu trên ngay sau khi được Quốc hội thông qua, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với quy định của Luật.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, chủ động, tích cực triển khai hoạt động Tổ Công tác quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, kịp thời hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để hoàn thiện pháp lý các dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tính lan tỏa, có tính khả thi khi tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc.

Chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, hướng dẫn các địa phương nâng cao nghiệp vụ, cắt giảm tối đa thời gian xử lý, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu. Chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có giải pháp kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức của thị trường bất động sản.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, kịp thời hướng dẫn các vướng mắc và kiên quyết xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, chủ động, kịp thời phản ứng chính sách hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy phát triển thị trường; Chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình các dự án, tiến độ triển khai, giải ngân vốn, các vướng mắc, khó khăn để kịp thời phối hợp với các bộ, cơ quan hướng dẫn, giải quyết và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 11 năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7176/VPCP-CN ngày 19 tháng 09 năm 2023.

Kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, nhất là xác định giá đất

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

Tiếp tục đầu tư công sức, phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn từ thực tế và đồng bộ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, nhất là xác định giá đất, quản lý, sử dụng đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng làm chậm trễ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản- Ảnh 6.

Tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay các vướng mắc, chậm trễ về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cho các dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng,... trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Kiên quyết không để tình trạng xử lý lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.

Tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay các vướng mắc, chậm trễ về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất. Xem xét, quyết định giá đất theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại. Công bố công khai Danh mục dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo quy luật thị trường.

Khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao cụ thể tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, xử lý theo thẩm quyền; Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện theo quý./.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Chỉ đạo tiếp tục thực quyết liệt thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỷ giá USD hôm nay 20/11: Giao dịch giữ mức 25.507 đồng/USD
Rạng sáng nay 20/11, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước niêm yết giữ 24.293 đồng/USD. Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại chủ yếu chỉ thay đổi giá mua và vẫn giữ giá bán ở 25.507 đồng. Chỉ số USD Index (DXY) đạt 106,37 điểm.
Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao và thiết lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý cần làm gì để ứng phó với biến động của tỷ giá.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.