Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Tiếp tục hoàn thiện để có chất lượng tốt nhất
Theo dự kiến, cuối Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Kinh doanh bất động sản. Trước đó, ngày 16/11, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Theo đó, trên cơ sở 26 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 04 ý kiến ĐBQH tranh luận tại Hội trường ngày 31/10, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh lý dự thảo Luật và đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 chương và 83 điều (tăng 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6).
Để bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại Điều 10, Điều 15 và Điều 41, theo đó tổ chức kinh tế thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước có quyền thực hiện các hình thức kinh doanh bất động sản, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng như tổ chức, cá nhân trong nước. Hiện nay, theo quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chủ thể này được coi là tổ chức trong nước…
Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm có phương án cụ thể về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để tránh tạo khoảng trống pháp lý.
Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, qua rà soát, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy: Trên thực tế có các trường hợp không đủ điều kiện để được làm người thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn được quyền kinh doanh bất động sản và thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản. Vì vậy, dự thảo Luật được chỉnh lý tại khoản 3 Điều 9 để không làm hạn chế các quyền chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Đối với nội dung về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, để bảo đảm thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, đồng thời hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua, thường là bên yếu thế, dự thảo Luật được chỉnh lý tại khoản 5 Điều 23 như sau: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng”...
Tiếp tục đề xuất 2 phương án đối với việc thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai
Về thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý tại khoản 3 Điều 25 theo 2 phương án. Phương án 1, “Nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; Giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua”.
Phương án 2, “Nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng. Phần giá trị còn lại của hợp đồng được khách hàng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại tổ chức tín dụng để quản lý và chủ đầu tư chưa được sử dụng số tiền này; Khách hàng được thụ hưởng lợi tức phát sinh từ khoản tiền này. Chủ đầu tư chỉ được sử dụng số tiền này của từng khách hàng khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua nhà ở, công trình xây dựng”.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Kinh tế xin kiến nghị giữ 2 phương án và lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH để làm cơ sở Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã tiếp thu các ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6, rà soát tổng thể dự thảo Luật, rà soát các quy định chuyển tiếp, hoàn thiện các quy định, bảo đảm rõ ràng về nội dung, chính xác về kỹ thuật lập pháp, kỹ thuật văn bản, tránh dẫn đến cách hiểu khác nhau, thống nhất với các luật có liên quan, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Bảo đảm sự thống nhất giữa các luật
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Trong quá trình tiếp thu, Thường trực Ủy ban Pháp luật thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Kinh tế để rà soát, đảm bảo thống nhất với Luật Nhà ở, đồng thời góp phần giúp việc tiếp thu đầy đủ, phù hợp.
Cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Trong tương quan giữa dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), khoản 2 Điều 1 trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã xác định rõ: Tất cả những giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê, nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản được điều chỉnh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản; Phát triển dự án nhà ở thương mại thì được điều chỉnh bằng Luật Nhà ở; Đất cho nhà ở thương mại được điều chỉnh bằng Luật Đất đai.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ: Sự phân định này đã được thể hiện thống nhất. Dự thảo luật còn một số chi tiết nhỏ, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát.
Cho ý kiến về nội dung chuyển nhượng dự án toàn bộ hoặc một phần dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Chính phủ xin ý kiến đối với 2 phương án, do vậy đề nghị gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH. Trong đó, cần lập luận rõ ưu nhược điểm của từng phương án, nêu rõ đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ, nêu rõ quan điểm của Chính phủ để đại biểu Quốc hội lựa chọn…
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ thống nhất với các nội dung Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Sau khi có văn bản của Ủy ban Kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức họp, giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp để có ý kiến đề xuất đối với nội dung này.
Qua nghiên cứu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng nhận thấy, nếu không quy định liên quan xử lý tài sản đảm bảo sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý.
Trước quan điểm cho rằng các tổ chức tín dụng không có chức năng kinh doanh bất động sản, do đó không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Nếu không quy định ở Luật này và cũng không quy định ở Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ dẫn đến những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. Qua ý kiến các Bộ, ngành, Bộ Xây dựng nhận thấy, trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nên đưa một quy định dẫn chiếu qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để đảm bảo quy định cụ thể vấn đề này.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện phương án chính thức của Chính phủ…
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình, đánh giá cao về báo cáo, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế trên cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan.
Những nội dung tiếp thu, giải trình chỉnh lý có tính đồng thuận, thống nhất cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu tối đa những ý kiến đã phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án luật có chất lượng tốt nhất.