Thị trường thực phẩm và đồ uống tăng mạnh
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Việt Nam là quốc gia có lượng sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm.
Về khía cạnh thị trường, với quy mô dân số gần 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, gia tăng tầng lớp trung lưu và thu nhập cao, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực.
Với gần 100 triệu dân cùng nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng, các cơ sở sản xuất - chế biến đa dạng, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thị trường ngành F&B Việt Nam sẽ đạt mốc 655 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, trở thành một trong những quốc gia có khả năng phát triển vượt trội trong 5 năm tới và dự kiến sẽ đạt giá trị 870 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.
Riêng tại miền Bắc, năm 2024 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình kinh doanh thực phẩm và đồ uống, điển hình là sự nở rộ những thương hiệu mới với thế mạnh bắt nhịp xu hướng, thu hút lượng lớn khách hàng trẻ, kéo theo hoạt động nhượng quyền thương hiệu tăng mạnh từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng cho đến nhiều tỉnh, thành lân cận.
Đặc biệt, trong báo cáo thị trường của iPOS.vn, những tháng đầu năm 2024, số lượng các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, đã tăng lên nhanh chóng, chiếm tỷ trọng lớn (xấp xỉ 23,3%) và trở thành khu vực đứng thứ 2 cả nước về kinh doanh F&B. Thêm vào đó, nhờ có 16 nhà hàng nằm trong danh sách Bib Gourmand 2024 (ngon, giá hợp lý) và 5 nhà hàng mới trong danh sách Michelin Selected 2024 thuộc Michelin Guide, ngành F&B tại Hà Nội đánh dấu sự tăng trưởng rõ rệt.
Sự bùng nổ của mạng xã hội đi kèm xu hướng review sản phẩm, check in địa điểm ăn và uống đã cũng tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Kết quả khảo sát của Reputa (Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng) cho thấy, trên 80% quyết định mua hàng ảnh hưởng bởi một thông tin online nào đó. Hơn nữa, khách hàng ngày càng quan tâm đến các thương hiệu đề cao sự tiện lợi, thân thiện với môi trường, đóng góp cho cộng đồng.
Những dấu hiệu tích cực trên khiến cho ngành F&B tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất phải luôn thay đổi, tìm ra phương thức mới tiếp cận thị trường.
Theo báo cáo mới nhất về ngành thực phẩm, đồ uống của Kirin Capital, Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Kinh doanh thực phẩm, đồ uống được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh tại Việt Nam.
Đầu tiên có thể kể đến hầu hết các cơ sở kinh doanh hiện nay đều đã thay đổi phương thức bán hàng, chuyển từ kinh doanh offline, chỉ bán hàng tại chỗ, sang kinh doanh online và tích hợp đa kênh. Tiếp đến, marketing online cũng là một xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường thực phẩm, đồ uống Việt Nam. Rõ nhất có thể nhìn vào các nhà hàng, quán cà phê, hoặc ngay cả những quán ăn bình dân cũng đầu tư lập fanpage, tạo website, thậm chí là thiết kế ứng dụng riêng để xây dựng hình ảnh thương hiệu và hệ thống tiện ích cho hoạt động kinh doanh của mình.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Việt Nam là quốc gia có lượng sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm. Về khía cạnh thị trường, với quy mô dân số gần 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, gia tăng tầng lớp trung lưu và thu nhập cao, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực.
Theo đánh giá, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới. “Doanh thu thị trường ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng 10,92% so với năm 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành thực phẩm đồ uống sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm, giai đoạn 2024 - 2029 đạt 10,26%”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành thực phẩm – đồ uống và thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 10 (Vietfood & Beverage - Propack Vietnam 2024) được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp hiện thực hóa cơ hội tăng trưởng, thông qua các hoạt động gặp gỡ, giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả.
Dự kiến, Triển lãm sẽ diễn ra từ 6 – 9/11/2024 tại Hà Nội. Triển lãm thu hút sự tham gia của 300 doanh nghiệp, đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, giới thiệu sản phẩm tại 350 gian hàng, mỗi gian hàng được thiết kế trang trí mang bản sắc riêng của từng thương hiệu, dự kiến thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan.