Thị trường rau quả tháng 9/2024 và dự báo
Trong tháng 9/2024, thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng thu hoạch một số loại trái cây ở các tỉnh phía Bắc, nhưng tính chung 9 tháng năm 2024 sản lượng các loại trái cây chủ lực của cả nước vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhờ diện tích thu hoạch tăng.
Nhu cầu tiêu thụ rau quả tăng vào quý cuối năm cộng với hiệu quả từ các Nghị định thư mới ký kết trong năm 2024 sẽ là những yếu tố chính giúp thúc đẩy xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cả năm 2024, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước sẽ vượt 7 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2023.
Tình hình cung-cầu, diễn biến giá các loại rau quả
Mưa bão ở miền Bắc trong tháng 9/2024 đã ảnh hưởng đến nguồn cung rau quả cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2024, sản lượng các loại trái cây chủ lực vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: sầu riêng đạt 984,8 nghìn tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 858,4 nghìn tấn, tăng 3,6%; cam đạt 1.084,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; thanh long đạt 692,8 nghìn tấn, tăng 1,3%.
Nguồn cung bị gián đoạn cục bộ khi bão lũ, cộng với nhu cầu mua tích trữ từ các khu vực phía Bắc, dẫn đến giá các mặt hàng này tăng cao vào thời điểm trước và sau bão. Đến cuối tháng 9/2024, nguồn cung dồi dào hơn đã giúp giá các loại rau quả hạ nhiệt.
+ Mít Thái
Trong tháng 9/2024, các tỉnh miền Nam vào mùa mưa, nguồn cung mít Thái vẫn hạn chế, tuy nhiên, giá mít đã giảm so với tháng trước. Cụ thể: tại Tiền Giang, hiện giá thu mua mít Nhất có giá từ 45.000 đ/kg, giảm 4.000 đ/kg so với tháng 8/2024; mít Nhì từ 25.000 đ/kg, giảm 5.000 đ/kg; mít Ba từ 15.000 đ/kg, giảm 2.000 đ/kg; mít chợ còn khoảng 6.000 – 7.000 đ/kg. Tương tự tại Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ, giá thu mua mít Thái cũng giảm: mít Nhất từ 41.000 – 44.000 đ/kg, giảm 4.000 đ/kg; mít Nhì từ 23.000 –25.000 đ/kg, giảm 5.000 đ/kg; mít Ba từ 13.000 đ/kg, giảm 3.000 đ/kg. Tại khu vực Tây Nguyên, giá mít Nhất từ 27.000 đ/kg, giảm 10.000 đ/kg; mít Nhì từ 13.000 đ/kg, giảm 3.000 đ/kg so với tháng 8/2024.
+ Sầu riêng
Nguồn cung sầu riêng từ khu vực Tây Nguyên tiếp tục dồi dào, giá nhìn chung ít biến động so với tháng trước đó. Tại khu vực này, giá thu mua sầu riêng Ri6 đẹp từ 57.000 - 60.000 đ/kg; sầu riêng Ri6 xô ở mức 42.000 – 44.000 đ/kg. Giá sầu riêng Thái tăng nhẹ, loại đẹp có mức 86.000 - 90.000 đ/kg, tăng 3.000 đ/kg; còn sầu riêng Thái xô tăng lên mức 60.000 – 65.000 đ/kg, tăng 2.000 đ/kg. Tại khu vực miền Tây Nam bộ, giá sầu riêng Ri6 loại I thu mua ổn định từ 57.000 – 60.000 đ/kg; mua xô từ 42.000 – 44.000 đ/kg. Giá sầu riêng Thái (MongThong) tăng từ 8.000 – 10.000 đ/kg so với tháng trước đó, lên 70.000 – 95.000 đ/kg.
+ Nhãn
Nguồn cung nhãn tăng trong tháng 9/2024 đã khiến giá nhãn giảm nhẹ so với tháng trước. Tại Vĩnh Long giá thu mua nhãn tiêu da bò loại 1 bình quân ở mức 25.000 đ/kg, ổn định so với tháng trước; giá thu mua nhãn xuống cơm vàng bình quân ở mức 30.000 – 33.000 đ/kg, giảm 2.000 đ/kg. Tại các tỉnh phía Bắc, giá nhãn Sơn La, Hưng Yên thu mua từ 20.000 – 28.000 đ/kg, giảm 7.000 – 10.000 đ/kg so với tháng 7/2024. Giá bán lẻ nhãn các loại ở các chợ tại Hà Nội cũng giảm, dao động từ 40.000 – 50.000 đ/kg, giảm 15.000 – 20.000 đ/kg so với tháng 8/2024.
+ Thanh long
Trong tháng 9/2024, thanh long tiếp tục cho thu hoạch vụ thuận, tuy nhiên, sản lượng thu hoạch đã giảm dần khi gần vào cuối vụ, giá thanh long tăng nhẹ trở lại sau hơn 3 tháng giảm giá liên tiếp. Tại Tiền Giang, giá thu mua thanh long ruột đỏ loại I tăng 4.000 đ/kg, lên 20.000 - 24.000 đ/kg; loại 2 có giá 16.000 – 18.000 đ/kg, tăng 4.000 đ/kg; loại 3 từ 10.000 – 15.000 đ/kg. Giá thu mua thanh long ruột trắng từ 15.000 đ/kg – 20.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg so với tháng 8/2024.
Tình hình xuất khẩu rau quả
Trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 843,5 triệu USD, giảm 52,8% so với tháng 7/2024, nhưng tăng 81,7% so với tháng 8/2023. Lũy kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong 8 tháng năm 2024 chủ yếu nhờ tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mặt hàng sầu riêng.
Sầu riêng hiện là loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất với hơn 2,1 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm trước; ngoài ra, xuất khẩu nhãn, dừa, xoài, cau cũng tăng mạnh. Riêng xuất khẩu thanh long vẫn trong xu hướng giảm, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023, xuống 358,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,8%.
Sang quý IV/2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là thị trường Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các Hiệp định thương mại, các Nghị định thư. Trong tháng 8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hai Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, hiệu lực từ 19/8/2024. Hai Nghị định thư trên sẽ là cơ sở giúp xuất khẩu hai loại trái cây này tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong quý cuối năm. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự báo đạt trên 7 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2023.
Biểu đồ: Kim ngạch xuất khẩu rau quả (bao gồm chế biến) của Việt Nam qua các tháng năm 2023 - 2024 (ĐVT: Triệu USD).Nguồn: Tổng cục Hải quan