Thêm 22 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 5 sao
22 sản phẩm OCOP 5 sao vừa được công nhận là các sản phẩm thuộc 12 công ty, hợp tác xã trên địa bàn 09 tỉnh, thành phố. Như vậy, tổng số sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là 42 sản phẩm, trong tổng số hơn 9.850 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của cả nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia năm 2022 (Đợt 1). Theo đó phân hạng sản phẩm đạt “Sản phẩm OCOP cấp Quốc gia” (sản phẩm OCOP 5 sao) năm 2022 (Đợt 1) cho 22 sản phẩm.
22 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận đợt này là các sản phẩm thuộc 12 công ty, hợp tác xã trên địa bàn 09 tỉnh, thành phố. Sản phẩm đạt “Sản phẩm OCOP cấp Quốc gia” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; được sử dụng biểu trưng và tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng, kể từ ngày công nhận.
22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao
1. Mật hoa dừa - Công ty TNHH Trà Vinh FARM, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
2 Đường hoa dừa - Công ty TNHH Trà Vinh FARM, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
3. Dừa sáp sợi (VICOSAP) - Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
4. Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 38 độ đạm - Công ty Cổ phần thương mại Khải Hoàn, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
5. Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 40 độ đạm - Công ty Cổ phần thương mại Khải Hoàn, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
6. Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 43 độ đạm - Công ty Cổ phần thương mại Khải Hoàn, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
7. Nước mắm Thanh Quốc 43 độ đạm - Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh nước mắm Thanh Quốc, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
8. Nước mắm Thanh Quốc 40 độ đạm - Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh nước mắm Thanh Quốc, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
9. Nước mắm Thanh Quốc 35 độ đạm - Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh nước mắm Thanh Quốc, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
10. Hạt điều rang muối - Công ty Cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
11. Hạt điều rang không muối - Công ty Cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
12. Hạt điều nhân trắng - Công ty Cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
13. Trà hoa vàng Quy Hoa - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
14. Chè Đinh cao cấp Hoài Trung - Công ty TNHH chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
15. Kẹo dừa ca cao - Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, phường 7, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
16. Kẹo dừa sầu riêng lá dứa - Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, phường 7, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
17. Kẹo dừa gừng - Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, phường 7, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
18. Kẹo dừa sầu riêng - Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, phường 7, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
19. Hạt sen sấy - Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
20. Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc (10 sản phẩm) - Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
21. Nhóm đèn lồng treo mây tre đan (5 sản phẩm) - Công ty TNHH Đức Phong, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
22. Chăn bông tơ tằm tự dệt - Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP) có trách nhiệm tham mưu tổ chức công bố sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; thông báo kết quả đánh giá, phân hạng đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chủ thể OCOP; đề xuất các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP cấp Quốc gia để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, xúc tiến thương mại trên thị trường trong và ngoài nước; hướng dẫn các chủ thể OCOP sử dụng và in biểu trưng OCOP trên bao bì sản phẩm được công nhận theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ các sản phẩm.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan có liên quan tổ chức hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp tục nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm, quảng bá, giới thiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức khen thưởng theo quy định; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng; ưu tiên hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại, sử dụng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động ngoại giao và các sự kiện của địa phương.
Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP cấp Quốc gia có trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo đúng Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tiếp tục nâng cao chất lượng, hình ảnh sản phẩm trên thị trường.
Sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã lan tỏa ra 63 tỉnh, thành. Mỗi sản phẩm OCOP không chỉ là đặc sản, sản phẩm đặc trưng riêng có, mà còn trở thành sứ giả quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người, nơi nó được sinh ra.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài.
Nhiều địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, qua đó từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng sản phẩm trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm, giúp giá bán các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng bình quân trên 12%,. Hơn 60% chủ thể OCOP từ 3 sao trở lên đã có doanh thu tăng 17,6%/năm.
Trung Anh