Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP từ nông nghiệp xanh
Trong số 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tuyên Quang đang đứng ở vị trí thứ tư trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Trong số 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tuyên Quang đang đứng ở vị trí thứ tư trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đã và đang giúp nâng cao thu nhập, mức sống của người dân nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn bền vững.
Từ chủ trương đề cao nông nghiệp xanh
Chương trình OCOP là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện khâu đột phá Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: "Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới".
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang tập trung triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chủ lực, đặc sản cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Nhiều sản phẩm chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Tuyên Quang. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ áp dụng ngày càng nhiều. Từ đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang phát triển sản xuất nông nghiệp sạch.
Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo các trục sản phẩm, theo 04 vùng: Vùng núi cao phía Bắc (Na Hang, Lâm Bình); vùng đồi núi phía Bắc (Chiêm Hóa, Hàm Yên), vùng trung tâm (Yên Sơn, Thành phố Tuyên Quang); vùng phía Nam (Sơn Dương). Qua đó phát huy lợi thế của từng vùng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp có chất lượng cao để tạo ra sản phẩm đặc trưng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao. Hiện Tuyên Quang có vùng cam trên 8.000 ha, chè 8.400 ha, bưởi 5.000 ha, mía 2.200 ha...
ĐếnOCOP là mục tiêu của các HTX và hộ kinh doanh
Tính đến đầu năm 2023, tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Số xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là 94/138, đạt 68,12%; đạt tỷ lệ cao nhất là huyện Na Hang. Đến nay, có 05/07 huyện, thành phố có chủ thể đăng ký thực hiện mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP hoặc chủ thể đã có sản phẩm OCOP đăng ký thực hiện mô hình điểm về hợp tác xã kiểu mới.
Trong số các sản phẩm OCOP thì nhóm thực phẩm có 171 sản phẩm; nhóm đồ uống 13 sản phẩm; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu 03 sản phẩm; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ 01 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 03 sản phẩm. Đây là sản phẩm OCOP của 134 chủ thể gồm: 104 hợp tác xã, 11 doanh nghiệp, 04 tổ hợp tác và 15 hộ kinh doanh. Trong đó có: 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao là chè Shan tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá).
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang, một số sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn, bước đầu đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương, giá bán sản phẩm sau khi tham gia Chương trình tăng từ 10% đến trên 30%. Có thể kể đến một số sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa thích như: Dịch vụ du lịch cộng đồng homestay tại huyện Lâm Bình; Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá, rượu ngô Na Hang; bánh gai Chiêm Hóa, thịt trâu Hùng Mỹ, rượu nếp cất 2 lần ông Chấp, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa; chè Tân Thái Dương 168, chè xanh Làng Bát (huyện Hàm Yên); chè Xanh Ngọc Thúy, trà Ngọc Thúy, bưởi đường Xuân Vân, bưởi đường đặc sản Phúc Ninh, thịt trâu khô Tiến Thành (huyện Yên Sơn); dầu lạc Trường Thịnh, trà Long Đài, trà cà gai leo Hợp Hòa; chè xanh Trung Long (huyện Sơn Dương); Mật ong hương rừng, cá lăng, mì khô Thuật Yến (thành phố Tuyên Quang). Cây chè Shan tuyết từ cây rừng hoang nay đã cho người dân ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang thu nhập bình quân đạt gần 30 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Một sản phẩm nông sản khác tiêu biểu của Tuyên Quang là Cam sành Hàm Yên vinh dự góp mặt trong top 10 loại trái cây nổi tiếng và là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam.
Một số sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP, đã tạo động lực cho chủ thể và các thành viên liên kết phát triển sản phẩm, bước đầu nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân, như: Rau bò khai, rau giảo cổ lam, măng khô, thịt chua lợn đen Duy Vượng, trứng vịt suối Vằng Seng (huyện Lâm Bình); gạo nếp Khẩu Láng, gà đen thả đồi và gà đồi Năng Khả (huyện Na Hang); chè Pà Thẻn xã Linh Phú, chè Nhân Sơn (huyện Chiêm Hóa); mật ong nhãn Bình Ca, chè bát tiên Khe Đảng (huyện Yên Sơn); hồng mọng Tràng Đà, bưởi Thái Long (thành phố Tuyên Quang)...
OCOP thực sự đã tạo chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của các hộ kinh doanh và từng người dân trong sản xuất nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp xanh mà Hợp tác xã Thảo mộc Việt ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên là một ví dụ. Đây là xã có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi cho việc phát triển cây nông nghiệp, cây có múi, đặc biệt là cây cam sành và một số loại cây dược liệu khác. Ban đầu, ông Lương Văn Tuyên và các hộ trồng, chăm sóc cây cam sành trên địa bàn huyện đã tổ chức đăng ký thành lập Hợp tác xã với tên gọi Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp theo hướng hữu cơ do chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm cam sành.
Nhận thấy tiềm năng từ nguồn nguyên liệu là các loại dược liệu quý tại địa phương, đặc biệt là một số diện tích cam bị già cỗi cần thay thế sang một số loại cây trồng phù hợp hơn, ông Lương Văn Tuyên và các thành viên đã thống nhất phát triển thêm về lĩnh vực trà thảo mộc và xin đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh và đổi tên từ Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp theo hướng hữu cơ thành tên Hợp tác xã Thảo mộc Việt. Đến nay Hợp tác xã đã sản xuất và đưa ra thị trường một số loại trà thảo mộc khác nhau, trong đó sản phẩm trà cam thảo mộc là một trong số những sản phẩm nổi bật, với những thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên như lá cam tươi, trà xanh,… đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm trà cam thảo mộc có khả năng thu nhặt các gốc tự do, bảo vệ gan, dự phòng một số bệnh mạn tính không lây, phòng chống nhiễm vi khuẩn, virus, chống nấm… nên rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Và trà tía tô, tâm an trà vừa đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Hợp tác xã còn chú trọng đầu tư vào việc thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc… để quảng bá sản phẩm cũng như giúp khách hàng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Hợp tác xã đang chú trọng vào việc đầu tư các công nghệ máy móc, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu trên thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin ở người tiêu dùng.
Chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, ông Bàn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX Chè Tân Thái 168 (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên) hào hứng cho biết, Hợp tác xã chè Tân Thái 168 đã và đang sản xuất các mặt hàng nông sản có nguồn nguyên liệu từ địa phương và trong đó mặt hàng chủ lực là sản phẩm chè khô đóng túi hút chân không. Sản phẩm bán trên thị trường đều được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc rõ ràng. Năm 2022, HTX Chè Tân Thái 168 đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng và đã có 02 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP. Trong đó 1 sản phẩm chè 3 sao, 1 sản phẩm chè 4 sao.
Theo ông Bàn Văn Dương, để đạt được những kết quả trên, tập thể ban lãnh đạo của HTX Chè Tân Thái 168 đã lựa chọn và ký hợp đồng liên kết sản xuất ổn định, lâu dài với các hộ trồng chè tại xã Tân Thành với diện tích gần 60 ha. Trong đó, các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hái chè đều được đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và thương hiệu của Chè Tân Thái 168. Sản lượng chè hằng năm HTX đã chế biến, kinh doanh và xuất bán trên 30 tấn/năm; thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền trung và một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… và tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Theo kế hoạch và lộ trình phát triển, ban lãnh đạo HTX Chè Tân Thái 168 đặt ra mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2024 sẽ hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP lên hạng 5 sao, đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển du lịch sinh thái, đưa cây chè vào sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP nhờ thương mại điện tử
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, Tuyên Quang đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn TMĐT. Đây là kênh hỗ trợ giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người nông dân từng bước chuyển đổi số để đạt được sự ổn định và chủ động về đầu ra cho sản phẩm; cắt giảm các khâu phân phối cồng kềnh, các chi phí trung gian. Sàn TMĐT của tỉnh có tên miền www.santmdttuyenquang.gov.vn được xây dựng và vận hành với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Hàng trăm sản phẩm của tỉnh được bày bán trên các sàn TMĐT như Voso, Tiki, Postmart, Lazada, Shopee...
Các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh đã rất quan tâm, tích cực hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với hoạt động chuyên môn, như: Tuyên truyền, vận động, tổ chức tham gia hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và bán sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước.
Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Tuyên Quang. Đến nay, đã có 16 điểm: Sơn Dương 01 điểm, Hàm Yên 01 điểm, Chiêm Hóa 02 điểm, Na Hang 02 điểm và thành phố Tuyên Quang 08 điểm; Yên Sơn 01 điểm; có 01 điểm bán các sản phẩm OCOP Tuyên Quang tại thành phố Hà Nội; còn huyện Lâm Bình lồng ghép đưa sản phẩm giới thiệu tại các homestay.
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Việt cho biết:Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh doanh tham gia các sàn TMĐT; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến... Từ đó, giúp đưa thương hiệu OCOP và các sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa hơn trên các thị trường trong và ngoài nước.
Nói về định hướng triển khai chương trình OCOP của tỉnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng OCOP tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Chương trình OCOP là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 của Tuyên Quang. Do vậy, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị; đồng thời sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất của từng địa phương và yêu cầu thị trường.
Để chương trình OCOP đạt mục tiêu đề ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang, các ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ để duy trì và nâng cấp các sản phẩm đã phân hạng đạt từ 3 sao trở lên phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng hạng lên 4 sao, 5 sao, trong đó cần tập trung đầu tư phát triển sản phẩm hạng 5 sao. Rà soát, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình, đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2025 có 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
Phương Loan