Quảng Trị ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có Quyết định về Ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quy chế quy định việc quản lý sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, còn thời hạn theo quy định (gọi tắt là sản phẩm OCOP); quy định về việc khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (gọi tắt là chủ thể OCOP) thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Quy chế áp dụng cho các chủ thể OCOP, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Các chủ thể OCOP phải duy trì những nội dung, kết quả đã đưa vào trong hồ sơ sản phẩm OCOP và đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp công nhận, khuyến khích các chủ thể OCOP áp dụng các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP ở mức độ cao hơn.Các chủ thể OCOP phải thực hiện việc quản lý chất lượng sản phẩm gồm: xây dựng và công bố quy trình sản xuất, quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất, kiểm soát quá trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và các quy định hiện hành.Các chủ thể OCOP được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP Việt Nam (in, dán, đúc, dập hoặc hình thức khác) trên sản phẩm, phương tiện kinh doanh sản phẩm và giấy tờ giao dịch nhằm mua, bán và quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo quy định.
Ngoài ra, Quy chế quy định việc khen thưởng cho các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, cụ thể: UBND huyện cấp Giấy chứng nhận kèm tiền thưởng đối với mỗi sản phẩm được công nhận đạt 3 sao; UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận kèm tiền thưởng đối với mỗi sản phẩm được công nhận đạt 4 sao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận, UBND tỉnh tặng tiền thưởng đối với mỗi sản phẩm được công nhận đạt 5 sao. Mức khen thưởng như sau: Sản phẩm công nhận OCOP 4 sao lần đầu: 5.000.000 đồng; Sản phẩm nâng hạng OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao: 2.000.000 đồng; sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao: 12.000.000 đồng; Sản phẩm được công nhận lại OCOP 4 sao: 1.000.000 đồng và sản phẩm được công nhận lại OCOP 5 sao: 3.000.000 đồng; UBND cấp huyện Quy định mức khen thưởng đối với sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao lần đầu và sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận lại.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế; kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý đối với các chủ thể cố tình vi phạm các quy định.
Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP tỉnh trong việc thực hiện các quy định về quản lý sản phẩm OCOP./.
Bùi Quốc Dũng