Hòa Bình: Triển vọng phát triển vùng chè tại xã Tân Vinh trở thành sản phẩm OCOP
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã đổi mới tư duy, đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Trong đó, người dân trên địa bàn xã Tân Vinh đang tập trung xây dựng vùng chè hướng tới thành sản phẩm OCOP và tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Anh Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Vinh, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Vinh có tổng diện tích trồng chè đạt gần 20 ha, thuộc quản lý của các hộ cá nhân gia đình trồng chè khoảng gần 30 hộ, trong đó có những hộ gia đình có khoảng 2 -3 ha. Ngày trước, tại Tân Vinh có thương hiệu chè thuộc quản lý của nông trường Cửu Long sau này nông trường giải thể thì việc trồng chè dần mai một đi, sau đó người dân trồng chè phát triển ra ngoài diện tích của nông trường. Hướng tới trong năm 2023, xã Tân Vinh sẽ xây dựng vùng chè chở thành các sản phẩm OCOP của địa phương…”.
Được biết, hiện nay diện tích chè toàn tỉnh có 2.411 ha, trong đó, 2.001 ha chè xanh, gồm 1.688 ha chè giống cũ, 312 ha chè giống mới và 410 ha chè Shan tuyết. Các địa phương có diện tích chè lớn là Lạc Sơn 611 ha, Lương Sơn 472 ha, Lạc Thuỷ 423 ha, Đà Bắc 293 ha.
Trong đó, diện tích quy hoạch đất trồng chè của tỉnh có khoảng 2.600 ha, đưa các loại chè giống mới LDP1, LDP2, Kim Tuyền năng suất chất lượng cao vào thay thế giống chè cũ. Cụ thể, diện tích chè để sản xuất chè đen, chè xanh 2.000 ha với vùng nguyên liệu chè xanh tập trung ở 2 vùng trọng điểm: vùng chè Yên Thuỷ - Lạc Sơn lấy cơ sở sản xuất chè của Công ty TNHH một thành viên 2/9 làm trung tâm để phát triển ra các xã xung quanh tạo thành vùng chè hàng hoá tập trung diện tích khoảng 730 ha; vùng chè Lạc Thuỷ - Lương Sơn lấy cơ sở sản xuất chè của Công ty TNHH một thành viên Sông Bôi và vùng chè Lương Sơn làm thành trung tâm để phát triển ra các xã xung quanh tạo thành vùng hàng hoá tập trung diện tích khoảng 900 ha Đối với vùng nguyên liệu chè Shan tuyết tập trung 600 ha tại 3 huyện Mai Châu 175 ha gồm các xã Hang Kia, Pà Cò, Bao La; Đà Bắc 325 ha gồm các xã Yên Hoà, Trung Thành, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, Cao Sơn và Tân Lạc 100 ha gồm các xã Ngổ Luông, Nam Sơn, Quyết Chiến, Bắc Sơn.
Với mục tiêu cụ thể để tạo được một số vùng sản xuất chè tập trung 3.200 ha, sản lượng 15.104 tấn chè búp tươi, có khả năng chế biến được 3.200 tấn chè búp khô; từ năm 2020-2030 hàng năm có thể sản xuất ổn định được khoảng 48.000 tấn chè búp tươi, chế biến sản xuất khoảng 10.200 tấn chè búp khô gấp 7,16 lần so với hiện nay phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần tăng thu ngân sách hàng năm từ sản xuất chế biến, tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm.
Việc thực hiện đề án góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chế biến, nâng cao trình độ thâm canh sản xuất, chế biến cho người lao động; giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho khoảng 4.000 lao động sản xuất nông nghiệp và khoảng 300 lao động công nghiệp chế biến góp phần tăng thu nhập, ổn định dân cư khu vực nông thôn. Đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn sạt lở, bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy phát triển du lịch, phát huy, bảo tồn văn hoá, bản sắc dân tộc.
Trong năm 2022, với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, huyện Lương Sơn,tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thành tựu to lớn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Huyện ổn định, có nhiều ưu điểm về công tác quản lý, coi trọng xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu và sản phẩm OCOP.
Địa bàn huyện Lương Sơn sở hữu nhiều sản phẩm OCOP được công nhận như: Chuối Viba, Bưởi Mỹ Tân, Ổi Lê Mỹ Tân, Bưởi diễn Tân Thành…Trong đó, chuối Viba là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình, do Hợp tác xã Chuối Viba trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chuối Viba rất giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho trí não và hoạt động thể chất, có thể hỗ trợ điều hoà hoạt động của hệ thần kinh và làm giảm nguy cơ những bệnh về tim mạch. Bưởi Diễn đã trở thành sản phẩm chủ lực đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Hay ổi Lê Mỹ Tân được trồng theo tiểu chuẩn Vietgap, là một loại quả sạch, mùi vị thơm ngọt, có nhiều công dụng đối với sức khoẻ và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.
Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Lương Sơn, chỉ tiêu Kế hoạch năm 2022 thực hiện chuẩn hóa 3 sản phẩm OCOP, kết quả khảo sát sơ bộ đã có 4 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm và dược liệu có tiềm năng, đưa vào đánh giá chuẩn hóa sản phẩm OCOP năm 2022, gồm các sản phẩm như: Cao dây thìa canh, trà túi lọc, tinh bột sắn dây, chè Mỹ Tân. Ngày 11/11/2022, UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện đánh giá, chuẩn hóa sản phẩm OCOP đợt 1/2022 đối với sản phẩm chè Mỹ Tân của HTX Mỹ Tân xã Cao Dương, kết quả đánh giá đạt 3 sao cấp tỉnh...
Huyện Lương Sơn xác định sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các xã, chủ thể có sản phẩm đăng ký đánh giá, chuẩn hóa sản phẩm OCOP năm 2022 nâng cao chất lượng sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng hồ sơ chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Cũng như tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Lương Sơn giai đoạn 2021 – 2025.
Tân Vinh là xã thuộc nhóm các xã phấn đấu chuẩn xã NTM nâng cao, hiện nay cũng rất chú trọng trong nội dung kế hoạch xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu và chương trình OCOP. Xã có kế hoạch trong năm 2022 xây dựng 2 khu dân cư kiểu mẫu ở xóm Đồng Tiến, xóm Đồng Chúi và 1 vườn mẫu tại xóm Rụt; đến thời điểm hiện tại 2 khu dân cư xây dựng kiểu mẫu, vườn mẫu đang thực hiện rà soát, đánh giá kết quả các tiêu chí.
Sản phẩm OCOP của xã Tân Vinh đã thực hiện đăng ký bằng văn bản đối với 2 sản phẩm; sản phẩm đăng ký OCOP là chè Tân Vinh và du lịch nghỉ dưỡng xã Tân Vinh. Xã xác định tiếp tục tuyên truyền vận động bà con nhân dân quan tâm chỉnh trang, vệ sinh đường làng, cải tạo cảnh quan môi trường khu dân cư; hộ vườn mẫu tiếp tục quan tâm đầu tư đáp ứng các tiêu chí; phấn đấu xây dựng xã có 1 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Trong thời gian tới, UBND huyện Lương Sơn sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM để hoàn thành tốt mục tiêu của Kế hoạch.
Phi Long - Minh Đông/VP Tây Bắc