Thành phố Hồ Chí Minh “bắt tay” Bình Dương kết nối hạ tầng giao thông
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có buổi đi thực địa để khảo sát, thúc đẩy các dự án kết nối vùng.
Sau khảo sát chiều 15/6, lãnh đạo 2 địa phương đã có buổi làm việc thống nhất nhiều nội dung liên quan đến hạ tầng giao thông kết vùng. Cụ thể sẽ có 5 tuyến giao thông được kết nối từ thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) với thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An (Bình Dương).
5 đề xuất kết nối giữa 3 thành phố
Một thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh và 2 thành phố của Bình Dương là những đô thị vệ tinh, quan trọng có tốc độ phát triển nhanh của 2 địa phương, vì vậy đòi hỏi cần kết nối sâu rộng hơn nữa, nhất là hạ tầng giao thông.
Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức đề xuất 5 dự án giao thông kết nối giữa Thủ Đức, Dĩ An và Thuận An. Theo đó, các dự án này gồm: đường Đào Trinh Nhất (Thủ Đức) kết nối với đường An Bình (Dĩ An); đường ĐT.743B (Thuận An) kết nối đường Bình Chiểu và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đoạn đường dự phóng Nam khu chế xuất Linh Trung 2 (Thủ Đức) và đường Vĩnh Phú 32 (Thuận An); một đoạn của đường N3 (Thủ Đức) và đường Vĩnh Phú 41 (Thuận An) và đoạn đường ký hiệu N1 (Thủ Đức) và đường Bình Hòa 1 (Thuận An).
Người đứng đầu UBND thành phố Thủ Đức cũng kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm bố trí vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án giao thông trên.
Theo ông Tùng có những tuyến đường, nút giao giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương có chiều dài không lớn nhưng lại có vai trò rất quan trọng với cả vùng Đông Nam bộ. Điển hình như dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua Thành phố Hồ Chí Minh chưa tới 2km nhưng nếu không đầu tư thì cả tuyến cao tốc khó phát huy hiệu quả. Hay đường Đào Trinh Nhất có lộ giới 20m (đi qua phường Linh Tây, Thủ Đức) nối với đường An Bình có lộ giới 34m (phường An Bình, Dĩ An). "Hai tuyến đường trên nối với nhau, kết nối đường Phạm Văn Đồng tới Quốc lộ 1A, sẽ giúp phát triển không gian đô thị hai bên. Tuy nhiên lộ giới của phía Bình Dương rộng, Thành phố Hồ Chí Minh lại hẹp nên cần họp bàn để thống nhất điều chỉnh lộ giới cho đồng bộ”, ông Tùng nói.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các quy hoạch phát triển giao thông kết nối giữa thành phố Thủ Đức với thành phố Dĩ An và Thuận An. Đồng thời, thảo luận và thống nhất một số vấn đề như: nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 để vận chuyển hàng hóa trên sông Sài Gòn; đề xuất vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường Vành đai 4 (Thành phố Hồ Chí Minh); dự án nút giao thông Sóng Thần và dự án Nâng cấp mở rộng đường An Bình và cầu kết nối cầu vượt Sóng Thần; Quốc lộ 13...
Về các đề xuất của thành phố Thủ Đức, lãnh đạo 2 thành phố Thuận An và Dĩ An nhất trí ủng hộ và mong muốn dự án sớm được triển khai thực hiện để đáp ứng nhu cầu tăng cường kết nối, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ nói chung và 2 tỉnh thành nói riêng. Việc hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông cũng góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ sớm đi vào cuộc sống.
Kết nối giao thông không phải của riêng ai
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Sở, ngành 2 địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.
Cũng theo người đứng đầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề về hạ tầng giao thông không phải là của một địa phương mà là câu chuyện chung của vùng. Ông Phan Văn Mãi đã đồng ý các kiến nghị của thành phố Thủ Đức và tiếp thu các kiến nghị của Bình Dương để giao thông thông suốt.
“Với tinh thần Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng Bình Dương trước hết giải quyết các vấn đề của hai địa phương, sau đó tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực cho nhau. Tôi cũng mong các địa phương, các Sở, ngành hai bên cùng tháo gỡ với tinh thần này”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng các dự án kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương có sự đồng thuận của lãnh đạo hai bên, trong quá trình thực hiện cam kết của lãnh đạo, ở cấp Sở, ngành có thể có những điểm khác nhau nhưng các cơ quan cần trao đổi thường xuyên và phải có sự tiếp thu ý kiến của nhau. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã thống nhất thì các Sở, ngành cần ghi nhận lại bằng văn bản để làm căn cứ thực hiện và đẩy nhanh tiến độ cho các dự án.
Đáp lại ý kiến ông Phan Văn Mãi, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Giữa Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhau phối hợp nhằm triển khai nhanh các công trình trọng điểm, các kết nối vùng mang tính chất quan trọng có ý nghĩa cho hai tỉnh, cho vùng, cũng như cho cả nước. Qua cuộc họp hôm nay, các ngành có liên quan sẽ triển khai cụ thể từng phần việc. Chúng tôi sẽ theo dõi, đeo bám để kiểm soát việc triển khai thực hiện, nếu chậm sẽ chủ động chỉ đạo phối hợp để triển khai thực hiện cho tốt”.
Ông Võ Văn Minh kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh sớm triển khai thực hiện một số dự án đúng như kế hoạch 2 địa phương đã thống nhất từ những cuộc họp trước như nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1. Đối với vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường Vành đai 4, Bình Dương đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh sớm thống nhất tọa độ, vị trí, quy mô cầu Phú Thuận để tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện. Bình Dương cũng mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh sớm mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn thành phố để đồng bộ với Quốc lộ 13 mà Bình Dương đang mở rộng. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cho ý kiến về phương án thiết kế, nguồn vốn dự án nút giao thông Sóng Thần và dự án nâng cấp mở rộng đường An Bình, cầu kết nối cầu vượt Sóng Thần….
Ông Hồ Quang Điệp - Tân Bí thư Thành ủy Dĩ An cho biết: “Dĩ An sẽ tập trung chỉ đạo các phòng ban sớm triển khai, nếu khó khăn sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để tháo gỡ. Đây là cơ hội tốt để các địa phương phát triển, mở rộng không gian, dư địa phát triển sau này”.
Việc lãnh đạo cao nhất UBND các tỉnh thành thường xuyên gặp gỡ trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông kết nối là điều trước nay ít xảy ra. Từ những lần gặp gỡ làm việc sẽ thúc đẩy các tỉnh trong vùng gần nhau hơn, hiểu nhau và cùng nhau phát triển bền vững hơn.