Đồng Nai: Hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển du lịch
Thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông luôn được tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư đồng bộ. Hệ thống giao thông đã và đang góp phần tạo thêm sự kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch của Đồng Nai.
Với vị thế là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt về du lịch vì hệ thống giao thông kết nối tốt. Những năm qua, Đồng Nai tập trung đầu tư đồng bộ nhiều hệ thống hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường thủy và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bởi đây không chỉ là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của ngành mà đối với tất cả các lĩnh vực khác, giao thông luôn là đòn bẩy để tạo sự bứt phá.
Để khai thác những lợi thế trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp các bộ, ngành triển khai các dự án quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, đường vành đai 3, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương; giao thông đường sắt với tuyến đường sắt Bắc - Nam...
Bên cạnh đó, Đồng Nai đã và đang có nhiều dự án giao thông quan trọng được quy hoạch, tạo sự kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như: Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch Đồng Nai trong những năm tiếp theo.
Tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), những năm gần đây, UBND huyện đã triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hương lộ 7 dẫn vào điểm du lịch Làng bưởi Tân Triều, vốn đầu tư khoảng 143 tỷ đồng; tuyến đường vào Chiến khu Đ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Vĩnh Cửu cũng là một trong số những địa phương có hệ thống đường giao thông nông thôn đẹp của tỉnh, đáp ứng các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đang đầu tư tuyến đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu), tuyến đường Hương Lộ 2, dự án cầu Thống Nhất… Đây là những dự án sẽ góp phần tạo sự bứt phá cho du lịch trong thời gian tới.
Theo ông Trần Nam Biên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán (Đồng Nai), thời gian qua, Định Quán là địa phương được tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể một số tuyến đường nổi bật như, đường vào Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi có tổng chiều dài gần 14km với kinh phí đầu tư cho cả mặt đường và hệ thống chiếu sáng gần 60 tỷ đồng; tuyến đường 118 vào Khu du lịch Thác Ba Giọt với kinh phí gần 66 tỷ đồng.
“Ngoài ra, còn nhiều tuyến đường nông thôn được thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển du lịch của huyện cũng đã được đầu tư từ nguồn vốn của tỉnh, huyện và sự đóng góp của nhân dân”, ông Biên cho biết thêm.
Tương tự, huyện Tân Phú (Đồng Nai) cũng có những tuyến đường tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển du lịch như: tuyến đường 600B từ quốc lộ 20 vào Vườn Quốc gia Cát Tiên, tuyến đường 774 (tên cũ là đường Trả Cổ - Tà Lài) kết nối Vườn Quốc gia Cát Tiên với các Khu du lịch Suối Mơ và một số điểm du lịch của huyện Định Quán.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay các công trình quan trọng quốc gia đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Khi hệ thống các tuyến đường giao thông nội tỉnh và quốc gia đi vào khai thác, vận hành thì bản đồ du lịch trên địa bàn tỉnh về cơ bản sẽ được điều chỉnh và vẽ lại, đặc biệt là thời gian di chuyển đến các điểm du lịch.
“Ví dụ như dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc sẽ tiếp cận các dự án Khu du lịch Thác Mai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ; hoặc khi đi theo tuyến đường vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành… sẽ tiếp cận được các điểm du lịch như Bò Cạp Vàng, Làng sinh thái Tre Việt hoặc các khu nghỉ dưỡng khu vực Nhơn Trạch, Long Thành…”, ông Bôn thông tin.
Thanh Vũ