0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 11/08/2023 09:57 (GMT+7)

Tâm lý đầu tư tiếp tục cải thiện, dòng tiền giải ngân tích cực hơn vào các tài sản rủi ro

Theo dõi KT&TD trên

Trong báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu, SSI Research cho rằng tâm lý đầu tư tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 7 và dòng tiền giải ngân tích cực hơn vào các tài sản rủi ro nhờ kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ hạ cánh mềm trong năm 2023.

Quỹ trái phiếu và tiền tệ vẫn thu hút được dòng tiền vào ròng

Theo thống kê của SSI, dòng tiền vào các Quỹ cổ phiếu toàn cầu vào ròng 42,9 tỷ USD trong tháng 7, tăng 62% so với tháng 6 và ghi nhận là tháng vào ròng thứ 3 liên tiếp. Tính chung từ đầu năm đến nay, các Quỹ cổ phiếu đã thu hút được 83,9 tỷ USD, khi các số liệu kinh tế đang chỉ ra tích cực hơn kỳ vọng.

Dòng tiền đầu tư
Tâm lý đầu tư tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 7 và dòng tiền giải ngân tích cực hơn vào các tài sản rủi ro

Quỹ trái phiếu duy trì cường độ vào ròng tháng thứ 7 liên tiếp, vào ròng 43,1 tỷ USD và tăng 66% so với tháng 6. Tính chung từ đầu năm đến nay, các Quỹ trái phiếu đã thu hút được 179 tỷ USD.

Quỹ tiền tệ đảo chiều vào ròng 124,4 tỷ USD, sau khi rút ròng nhẹ -14,6 tỷ USD trong tháng 6.

Khảo sát mới nhất từ BofA tiếp tục cho thấy các nhà quản lý quỹ duy trì sự thận trọng. Trên thực tế, có tới 60% số lượng khảo sát cho rằng kinh tế thế giới sẽ cho thấy tín hiệu suy yếu dần trong thời gian tới, mặc dù 68% tin tưởng rằng “hạ cánh mềm” sẽ xảy ra.

Điều này cũng tương đồng với chiến lược phân bổ tài sản tài chính và đồng nghĩa là các Quỹ trái phiếu và tiền tệ vẫn thu hút được dòng tiền vào ròng trong khi dòng tiền vào các Quỹ cổ phiếu sẽ phân hóa đối với nhóm nước phát triển và đang phát triển.

Dòng tiền phân hóa đối với nhóm nước phát triển và đang phát triển

Quán tính tích cực của thị trường Mỹ giúp dòng tiền vào cổ phiếu tại các thị trường phát triển (DM) vào ròng tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi kết quả kém tích cực của kinh tế Trung Quốc khiến dòng tiền vào thị trường mới nổi (EM) phân hóa trong tháng 7.

Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM vào ròng 32,5 tỷ USD trong tháng 7 – tăng 70% so với tháng 6. Cụ thể, quán tính tích cực từ thị trường Mỹ (S&P500 tăng 20,7% so với cuối năm 2022 và tăng 3,2% cho tháng 7) nhờ các dữ liệu tích cực hơn so với kỳ vọng. Dòng tiền vào thị trường Mỹ vào ròng 31,5 tỷ USD – gần gấp 2 lần so với tháng trước.

Phân bổ tỷ trọng vào thị trường Mỹ đang khá phân hóa khi nhiều quỹ chủ động vẫn cho rằng dư địa tăng trưởng của thị trường này đang khá hạn chế cho thời gian còn lại của năm và rút ròng 22 tỷ USD, dòng tiền các quỹ ETF vào ròng tới 54 tỷ USD nhờ tính đa dạng của thị trường này.

Dòng tiền đầu tư
Dòng tiền vào cổ phiếu tại các thị trường phát triển duy trì quán tính tích cực

Trong khi đó, dòng vốn vào cổ phiếu EM vào ròng 10,4 tỷ USD trong tháng 7, tăng nhẹ so với tháng 6. Triển vọng kém tích cực của nền kinh tế Trung Quốc khiến dòng tiền không có nhiều bứt phá, chỉ vào ròng 10,3 tỷ USD và tập trung vào nửa cuối tháng 7 khi kỳ vọng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ Trung Quốc.

Trái ngược, dòng tiền vào các thị trường mới nổi Châu Á khác vẫn khá tích cực nhờ việc muốn phân bổ danh mục đầu tư từ các quỹ như Ấn Độ (+3,2 tỷ USD), Việt Nam (+88,5 triệu USD) hay Hàn Quốc (+72,8 triệu USD). Đáng chủ ý, dòng tiền vào Đài Loan đảo chiều mạnh trong tháng 7 (rút ròng 2,1 tỷ USD) có thể do lo ngại địa chính trị với Trung Quốc.

Nhìn chung, dòng tiền vào quỹ cổ phiếu toàn cầu vẫn ở trạng thái phân hóa khi thị trường cổ phiếu đang ở trạng thái chuyển giao và chưa chính thức bước sang giai đoạn tăng trưởng. Việc phân bổ dòng tiền sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các quỹ dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro và nhiều khả năng thị trường EM (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ tiếp tục thu hút lớn dòng tiền từ các quỹ chủ động do dư địa tăng trưởng của thị trường Mỹ hiện tại đang khá hạn chế.

Quỹ ETF nội đảo chiều vào ròng

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền ETF vào ròng trong tháng thứ 2 liên tiếp, với giá trị 430 tỷ đồng trong tháng 7, nâng tổng giá trị vốn vào ròng trong năm 2023 lên 5,27 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhóm quỹ ETF nội đảo chiều vào ròng 200 tỷ đồng trong tháng 7 sau khi bị rút ròng 95 tỷ đồng trong tháng 6. Giao dịch tích cực chủ yếu nhờ sự đóng góp của hai quỹ VFM VN30 (+63 tỷ đồng) và KIM Growth VN30 (+248 tỷ đồng), cả hai quỹ này đều nhận được dòng tiền từ quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 khi quỹ này gián tiếp đầu tư thêm 1,27 nghìn tỷ đồng trong tháng 7, bù đắp lại phần vốn bị rút ra của các nhà đầu tư Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký DR E1VFVN30. Ngược lại, hai quỹ VNDiamond (-69 tỷ đồng) và VNFIN Lead (-46 tỷ đồng) đảo chiều sang rút ròng nhưng giá trị không quá lớn.

Dòng tiền đầu tư
Dòng tiền ETF có trạng thái phân hóa ở nhóm quỹ ETF nội và ETF ngoại

Ở nhóm ETF ngoại, dòng vốn cũng phân hóa khá rõ nét. Trong khi hai quỹ Fubon (-176 tỷ đồng) và iShares (-157 tỷ đồng) tiếp tục bị rút ròng, thì dòng tiền vào khá tốt ở các quỹ còn lại như VanEck (+384 tỷ đồng), FTSE Vietnam (+33 tỷ đồng), Global X (+36 tỷ đồng), và đặc biệt là quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 (+1,27 nghìn tỷ đồng) đầu tư theo hình thức gián tiếp.

Tín hiệu tích cực của dòng vốn ETF trong tháng 8 là sự xuất hiện của Quỹ ETF mới từ Singapore với tổng huy động ước tính ban đầu vào khoảng 5 triệu USD (118 tỷ đồng).

Nhìn chung, xu hướng đầu tư vào các quỹ ETF của Việt Nam trong dài hạn vẫn khá tích cực, đặc biệt là từ các NĐT cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên cần lưu ý là xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của NĐT cá nhân và trong quá khứ, dòng tiền sẽ chỉ vào mạnh khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ rệt.

Quỹ chủ động tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng

Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam giao dịch tích cực trong tháng 7 và đảo chiều vào ròng hơn 600 tỷ đồng. Cường độ vào ròng khá đồng đều giữa các quỹ, và nhờ diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam trong thời gian qua cũng như dư địa tăng trưởng vẫn còn tương đối nhiều trong dài hạn.

Thị trường Việt Nam còn tận dụng được xu hướng phân bổ dòng vốn nhiều hơn vào thị trường cận biên và mới nổi từ các quỹ chủ động có chiến lược đầu tư đa quốc gia và theo ước tính của chúng tôi, các quỹ này đã giải ngân vào khoảng 270 tỷ đồng vào Việt Nam tron tháng 7.

Dòng tiền đầu tư
Diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam trong tháng 7 giúp giao dịch từ các quỹ chủ động tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng

Trái ngược xu hướng, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 7 (và bán ròng 797 tỷ đồng nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến từ VNZ). Tuy nhiên, lượng bán ròng chủ yếu đến từ các cá nhân nước ngoài (bán ròng lên tới gần 1,2 nghìn tỷ) trong khi đó tổ chức nước ngoài ghi nhận mua ròng 727 tỷ đồng.

Một thông tin đáng chú ý cho giai đoạn tháng 8 và tháng 9 tới đây là kỳ xem xét của FTSE vào tháng 9, các động thái từ FTSE đối với Việt Nam sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của TTCK Việt Nam.

Hiện tại, TTCK Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi của FTSE từ 2018 và trong kỳ đánh giá tháng 3 vừa qua, FTSE đã đưa ra sự lo ngại liên quan tới việc thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải cách thị trường và cảnh báo việc xem xét lại tư cách thành viên của Việt Nam trong danh sách theo dỗi trong kỳ đánh giá tới.

Tuy nhiên, tại Đối thoại tháng 7 - Kinh tế vĩ mô và TTCK ngày 25/7 vừa qua, Chủ tịch UBCKNN chia sẻ cuộc họp giữa UBCKNN và các tổ chức xếp hạng quốc tế trong tháng 8 tới đây được kỳ vọng là yếu tố then chốt giúp giải quyết vấn đề trên, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ đưa TTCK Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE vào năm 2024 hoặc 2025.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết Tâm lý đầu tư tiếp tục cải thiện, dòng tiền giải ngân tích cực hơn vào các tài sản rủi ro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.