0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 11/07/2023 10:37 (GMT+7)

Cải thiện dòng tiền Vietnam Airlines muốn đấu giá 3 máy bay, dự thu về ít nhất 15 triệu USD

Theo dõi KT&TD trên

Vietnam Airlines dự kiến thu về ít nhất 15 triệu USD từ việc bán đấu giá 3 chiếc máy bay A321CEO. Khoản thu này sẽ giúp Vietnam Airlines tăng thu nhập và cải thiện dòng tiền sau khi gặp khó khăn do dịch bệnh. 

Bán máy bay để cải thiện dòng tiền

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá để bán 3 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007.

Cụ thể, 3 tàu bay của Vietnam Airlines đều mang quốc tịch Việt Nam, có số hiệu lần lượt là A350, A351, A352 và được đặt tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá là quý 3 năm nay với mức giá khởi điểm cho từng tàu bay mà Vietnam Airlines đưa ra là 5 triệu USD, tương đương 118,7 tỷ đồng.

Việc rao bán các máy bay A321CEO là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu đội tàu bay của Vietnam Airlines, nhằm tăng thu nhập và cải thiện dòng tiền sau khi gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trước đó, từ năm 2020, Vietnam Airlines cũng từng rao bán 9 máy bay A321CEO sản xuất giai đoạn 2004 - 2008. Đây là một phần trong kế hoạch thay thế dần các máy bay trên 12 năm tuổi của hãng đến năm 2025. Đồng thời, nguồn tiền thu về từ việc bán máy bay sẽ giúp hãng có thêm dòng tiền trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Vietnam Airlines sắp đấu giá 3 máy bay giá khởi điểm hơn 118 tỷ đồngchiếc

Tiếp tục lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ

Cũng trong ngày 10/7, HĐQT Vietnam Airlines đã thông qua việc lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 với lý do “công ty cần có thêm thời gian chuẩn bị”.

Trước đó, HĐQT công ty thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội vào ngày 11/7. Ngày tổ chức dự kiến là trước ngày 30/8.

Cách đó ba tháng (ngày 18/4), HĐQT Vietnam Airlines ra nghị quyết về việc gia hạn thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 đến sau ngày 30/4 và trước ngày 30/6/2023. Sau đó một tuần, công ty chốt thời gian tổ chức đại hội vào ngày 20/6.

Theo quy định tại Điều 139 của Luật Doanh nghiệp 2020, ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. HĐQT có thể quyết định gia hạn họp ĐHĐCĐ thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Với năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2022, doanh nghiệp niêm yết thông thường phải họp Đại hội thường niên chậm nhất vào ngày 30/4/2023, HĐQT có thể gia hạn đến 30/6/2023.

2.2 tỷ cổ phiếu HVN chỉ được giao dịch vào phiên chiều

Ngày 05/07, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) quyết định chuyển cổ phiếu HVN từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Theo đó, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chỉ được giao dịch trong phiên chiều từ ngày 12/07. Lý do là vì Vietnam Airlines chậm công bố báo cáo kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Sau khi nhận thông tin hạn chế giao dịch, nhà đầu tư lập tức có động thái tháo chạy khỏi cổ phiếu HVN. Phiên 06/07, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm 6,67% xuống 13,300 đồng/cp, với dư bán sàn hơn 500 ngàn cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh lên mức 8,6 triệu cổ phiếu, là mức cao nhất trong hơn 1 năm.

Ngoài ra, tâm lý của nhà đầu tư cũng bị tác động trong bối cảnh thị trường biến động mạnh trong phiên chiều 06/07, với VN-Index có lúc giảm hơn 10 điểm.

Bên cạnh bị hạn chế giao dịch, HVN còn thuộc diện cảnh báo từ ngày 11/07 vì hãng hàng không này chưa tổ chức đại hội thường niên 2023 quá 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Vietnam Airlines cho biết sẽ tổ chức đại hội trước ngày 30/08/2023.

Phản hồi về thông tin bị hạn chế giao dịch, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để sớm đưa cổ phiếu HVN trở lại tình trạng giao dịch bình thường.

“Các nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Việc hạn chế giao dịch cổ phiếu không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Vietnam Airlines cho biết nhằm sớm đưa cổ phiếu trở lại tình trạng giao dịch bình thường, hãng cũng đang phối hợp chặt chẽ với công ty kiểm toán để sớm hoàn thành và thực hiện công bố thông tin.

Nguy cơ hủy niêm yết vì thua lỗ kéo dài

Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo kiểm toán năm 2022 để xem cổ phiếu HVN có bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE hay không.

Nếu BCTC kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HOSE cũng đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.

Trong BCTC 2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 10,4 ngàn tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2022 âm 10 ngàn tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines cho biết tổng số chuyến bay hãng thực hiện đạt 64.300 chuyến với tổng số giờ bay là 148.270 giờ.

Vận chuyển hành khách ước đạt 10,14 triệu khách, tăng 23,6% so cùng kỳ. Kết quả vận chuyển hàng hóa, bưu kiện ước đạt 103.287 tấn, giảm 9%.

Doanh thu hợp nhất ước thực hiện hai quý đầu năm của tổng công ty là 45.255 tỷ đồng, tăng gần 49% so cùng kỳ năm 2022 và cao hơn so với kế hoạch là 1.000 tỷ đồng.

Như vậy ước tính quý II, doanh thu của hãng hàng không này là 21.615 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng quý II/2022.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết Cải thiện dòng tiền Vietnam Airlines muốn đấu giá 3 máy bay, dự thu về ít nhất 15 triệu USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp tư nhân Việt: Sẵn sàng vươn ra biển lớn
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang biến động không ngừng, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. "Vươn ra biển lớn" không còn là khẩu hiệu xa vời, mà đã trở thành hành trình thực tế của nhiều doanh nghiệp Việt.
Kinh tế tư nhân trong làn sóng FDI: Cơ hội và thách thức song hành
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang tạo ra những tác động đa chiều, sâu rộng đến nền kinh tế, trong đó khu vực kinh tế tư nhân trong nước đứng trước những cơ hội phát triển chưa từng có, song cũng đối mặt với không ít thách thức cam go.
Tinh thần khởi nghiệp Việt: Mạch sống của kinh tế tư nhân
Giữa dòng chảy không ngừng của nền kinh tế thị trường, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ, khẳng định vai trò như một mạch sống thiết yếu, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân.
Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp - Vàng thật sợ gì lửa!
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân quy định số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần/ năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Tin mới

Chống hàng giả, hàng nhái: Cuộc chiến chưa hồi kết
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái từ lâu đã trở thành một "ung nhọt" nhức nhối trong nền kinh tế, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tỷ giá USD hôm nay (18/5): Đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng
Tỷ giá USD hôm nay (18/5): Đồng USD mạnh lên vào phiên giao dịch cuối tuần sau khi dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy giá nhập khẩu phục hồi, trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn ở mức thấp, khi lo ngại về thuế quan tăng vọt, đưa đồng USD vào đà tăng tuần thứ tư liên tiếp.
Giá vàng đang “hạ nhiệt”: Có nên mua vào?
Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước đã giảm hơn 3 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng liên tục giảm sâu đang khiến nhiều nhà đầu tư và người dân băn khoăn: “Liệu có nên mua vào ở thời điểm này?”.
Nhà đầu tư sắp đón "mưa" cổ tức
Mùa chi trả cổ tức hàng năm luôn thu hút sự quan tâm lớn từ các cổ đông, không chỉ vì khoản lợi nhuận nhận được mà còn bởi đây thường là thời điểm cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ.