Lãi gửi tiết kiệm ở vùng thấp, dòng tiền chuyển hướng
Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang ấm lại với nhiều thương vụ khủng khi niềm tin nhà đầu tư được cải thiện.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) hiện có lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 6,3%/năm.
Việc giảm lãi suất là tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy một phần dòng tiền từ kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn.
Thị trường liên tục bứt phá cùng thanh khoản cao
Nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, so với các kênh đầu tư khác, kênh chứng khoán hiện đang ngày càng hấp dẫn.
Trong 4 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức hồi phục mạnh. Tháng 7 vừa qua, thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện rõ rệt với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt 16.700 tỷ đồng/phiên.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp thị trường ghi nhận thanh khoản tăng trưởng so với tháng trước. Xu hướng này vẫn đang được duy trì trong những ngày đầu tháng 8 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thanh khoản tăng một phần đến từ làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường gia tăng mạnh thời gian gần đây. Riêng trong tháng 7, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 150.000 tài khoản chứng khoán, cao nhất trong vòng 11 tháng. Như vậy, nhà đầu tư nội đã có 3 tháng liên tiếp mở mới trên 100.000 tài khoản chứng khoán.
Trước đó, số lượng tài khoản mở mới từng có giai đoạn liên tục giảm mạnh và chạm đáy nhiều năm vào tháng 4. Dù đã tăng trở lại nhưng lượng tài khoản mở mới mỗi tháng vẫn chưa bằng với giai đoạn bùng nổ kéo dài từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, con số này được đánh giá có thể sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp.
Trái phiếu doanh nghiệp "ấm" trở lại
Bên cạnh cổ phiếu, dòng tiền cũng có sự quan tâm đến kênh trái phiếu, đặc biệt khi nhiều thương vụ phát hành lớn xuất hiện. Việc nhiều tổ chức phát hành vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả lãi và gốc trái phiếu giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp (DN) bất động sản phát hành chiếm 54,2% trái phiếu được phát hành; tổ chức tín dụng phát hành chiếm 31,6%. Có hơn 60% TPDN phát hành có tài sản đảm bảo.
Đáng chú ý, từ thời điểm Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có hiệu lực đầu tháng 3, hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành. Bên cạnh đó, đã có 1 số doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng với khối lượng 6 tháng là 5.900 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu, ví dụ như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land...
Việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư. Đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.
Trung Anh