Chứng khoán ngày 17/7: Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường, VN-Index vượt kháng cự mềm 1.170
VN-Index duy trì được sắc xanh tích cực, tăng gần 5 điểm lên trên khu vực 1.170. Vùng 1.170 điểm hiện đang là vùng kháng cự "mềm" mang tính chất tâm lý của thị trường với diễn biến thường thấy là phe mua và phe bán liên tục giằng co khi chỉ số chung tiếp cận khu vực này.
Tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm, VN-Index mở cửa trong sắc xanh ngay từ đầu phiên giao dịch. Sự phân hóa vẫn được ghi nhận khá rõ ràng khi lực cầu chỉ tập chung tìm đến các nhóm ngành riêng lẻ. Trong số đó, nổi bật hơn cả có thể kể đến nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và chứng khoán với mức tăng lần lượt là 1.6% và 1.1%.
Tuy nhiên, vùng 1170 điểm hiện đang là vùng kháng cự "mềm" mang tính chất tâm lý của thị trường với diễn biến thường thấy là phe mua và phe bán liên tục giằng co khi chỉ số chung tiếp cận khu vực này. Trong phiên chiều, VN-Index ghi nhận sự rung lắc với biên độ rộng hơn và đã có lúc đảo chiều về sát mốc tham chiếu.
Dòng tiền đổ vào nhóm bất động sản, giúp nhiều cổ phiếu tăng kịch trần như DXS, HAR, HTN, LDG, LEC, LGL, PV2, QCG. Bộ ba cổ phiếu họ Vingroup là VIC tăng 2,9%, VHM tăng 4,6%, VRE tăng 2,3%, có sức nâng đỡ rất lớn đối với chỉ số VN-Index.
Nhóm cổ phiếu thiết bị điện là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Tiêu biểu là các cổ phiếu như GEX (+0.98%), MBG (+5.26%),...
Nhóm chứng khoán cũng giao dịch khả quan dù sắc xanh của nhiều mã đã bị thu hẹp đáng kể trong phiên chiều. Kết phiên, SSI tăng 1,05%, với thanh khoản thấp 14,4 triệu cp; SHS tăng 0,68%, thanh khoản đạt 17,4 triệu cp, dẫn đầu sàn HNX; HCM tăng 1,98%, thanh khoản đạt 6,7 triệu cp; VIG tăng 2,41%, thanh khoản đạt 1,7 triệu cp.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt tăng, với OIL, PEQ, PLX, PVD, PTV, PVC, PVS đều ở chiều giá xanh.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu sản phẩm cao su đang khá bi quan khi hầu hết các mã cổ phiếu đều nhuộm sắc đỏ. Trong đó, các mã giảm mạnh như SRC giảm 1.86%, DRC giảm 0.86%,…
Sự tích cực đã quay trở lại trong hoạt động giao dịch của khối ngoại với việc giải ngân xuyên suốt phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 511 tỷ đồng trên HOSE và gần 62 tỷ đồng trên HNX, trong khi bán ròng 10,59 tỷ đồng trên UPCOM.
Tại chiều mua, VHM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 179 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SSI xếp tiếp theo danh sách mua ròng mạnh trên HoSE với 131 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng mua ròng VNM với giá trị là 66 tỷ đồng.
Kết phiên, VN-Index ở 1.173,13 điểm, tăng 4,73 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,40%. HNX-Index tăng 0,76 điểm lên 230,95 điểm. UPCOM-Index tăng 0,52 điểm lên 86,81 điểm. Thanh khoản cải thiện với giá trị giao dịch trên HOSE đạt 18.633 tỷ đồng.
Ngược lại, VPB chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 103 tỷ đồng; theo sau CTG, STB bị bán khoảng 52 và 50 tỷ đồng mỗi mã.
Theo góc nhìn kỹ thuật của Chứng khoán VCBS, VN-Index kết phiên tạo nến Spinning top thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư tại khu vực điểm 1170. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI liên tục hình thành các đỉnh nhỏ với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, cho thấy VN Index hoàn toàn có thể xảy ra rung lắc mạnh hơn trong các phiên tới.
Tuy nhiên, ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo nêu trên đã vượt lên trên đỉnh cũ, xóa đi xác suất tạo phân kỳ âm cho thấy xu hướng của VN-Index sẽ vẫn tiếp tục zig zag đi lên nếu có thể bứt phá thuyết phục vượt lên khỏi vùng 1170, hướng tới những mục tiêu cao hơn mà gần nhất là khu vực 1200 – 1210.
Đối với chiến lược giao dịch ngắn hạn, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời, hạ tỷ trọng 1 phần và tận dụng những phiên rung lắc để mua lại, ưu tiên nắm giữ các nhóm ngành thu hút dòng tiền như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.
Trung Anh