0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 17/06/2024 09:27 (GMT+7)

Siết chặt kiểm soát, chặn đường đi của vàng lậu

Theo dõi KT&TD trên

Với quy định xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng, kiểm soát các giao dịch quy mô lớn đáng ngờ... tình trạng buôn lậu vàng được kỳ vọng sẽ giảm mạnh.

Mạnh tay với vàng lậu

Bắt đầu từ ngày 15/6, bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh vàng nào không xuất hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Hiện trên cả nước có hơn 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán chế tác vàng bạc và trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. Trước đó ít ngày, 100% cơ sở kinh doanh vàng trên toàn quốc đã cam kết thực hiện đúng yêu cầu xuất hóa đơn điện tử.

Việc siết chặt về hóa đơn điện tử khi mua vàng miếng là bước đi mới nhất trong nỗ lực minh bạch thị trường vàng của nhà điều hành. Những quy định này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, mua bán vàng không rõ nguồn gốc. Điều này đồng nghĩa với cửa sống của vàng lậu đang dần bị thu hẹp.

Siết chặt kiểm soát, chặn đường đi của vàng lậu
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng buộc phải xuất hóa đơn điện tử.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 70 – 100 tấn vàng. Nhưng kể từ khi Nghị định 24 ra đời, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng. Nhu cầu cao trong khi nguồn cung thiếu khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm đến nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, trong đó có cả vàng nhập lậu.

Cùng với đó, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng được nới rộng trong khi nguồn cung vàng khan hiếm cũng khiến lợi nhuận từ buôn vàng lậu hấp dẫn hơn, kích thích lòng tham của nhiều người.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới đã bị đưa ra ánh sáng. Nhiều đường dây buôn lậu vàng với quy mô rất lớn, từ vài kg lên tới hàng chục tấn vàng cũng bị triệt phá.

Đầu năm 2024, Viện kiểm soát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150 kg vàng 9999. Trước khi bị bắt, các đối tượng này đã nhiều lần “lách luật”, vận chuyển vàng nguyên khối qua đường hàng không.

Tháng 6/2023, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý cũng bị khởi tố do liên quan đến đường dây buôn lậu 3 tấn vàng trị giá 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Nguyễn Thị Minh Phụng và đồng phạm giấu tổng cộng 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng) trong ngăn bí mật của xe ba gác chở nước đá từ Campuchia về Tây Ninh để phân phối đi trên cả nước.

Dù vậy, những vụ án buôn vàng lậu bị triệt phá trong thời gian qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây chỉ là con số rất nhỏ so với số vàng lậu thực được tuồn vào thị trường Việt Nam mỗi năm.

Làm sao để chặn “đường đi” của vàng lậu?

Dẫu vậy, việc khởi tạo hóa đơn điện tử trong giao dịch mua bán vàng mới chỉ là bước đi đầu tiên. Về dài hạn, thị trường vàng vẫn cần thêm những giải pháp căn cơ, dài hơn khác mới có thể đưa phần còn lại của “tảng băng chìm” ra ánh sáng.

Siết chặt kiểm soát, chặn đường đi của vàng lậu
Cần thêm nhiều giải pháp khác để đẩy lùi tình trạng buôn lậu vàng.

Những năm gần đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã liên tục kiến nghị NHNN cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, gia công. Nửa cuối năm 2023, VGTA đề xuất cho 3 doanh nghiệp là SJC, PNJ và DOJI được nhập khẩu 500 kg/năm/doanh nghiệp. Đầu năm 2024, VGTA tiếp tục đề xuất nhập khẩu 10 tấn vàng để phục vụ chế tác trang sức và mỹ nghệ.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với đề xuất mở cửa nhập khẩu vàng của VGTA. “Nhập khẩu ở đây không có nghĩa là nhập ồ ạt mà là nhập khẩu theo hạn ngạch, cân đối cung – cầu dựa trên thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối hàng năm”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh mở cửa nhập khẩu vàng, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần xem xét, sửa đổi lại Nghị định 24.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, cần phải sửa Nghị định 24, trong đó bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

“Khi làm được điều này, giá vàng SJC sẽ giảm. Khi chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới không còn cao, không đáng kể thì làm sao có buôn lậu”, ông Nghĩa nói.

Khánh Tú

Bạn đang đọc bài viết Siết chặt kiểm soát, chặn đường đi của vàng lậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.