0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 27/05/2024 13:27 (GMT+7)

Thanh tra SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu kinh doanh vàng: Ai lỗ, lãi mạnh nhất?

Theo dõi KT&TD trên

SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu là những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh vàng và thuộc diện thanh tra lần này. Nhiều đơn vị có doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận mỏng dù giá vàng chênh lớn, biến động mạnh.

Những đại gia chi phối thị trường vàng

Trên thị trường, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng được biết đến phổ biến tại Việt Nam gồm: Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Doji, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Phú Quý…

Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn nhưng thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh với phần lớn thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống nhỏ lẻ trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp lớn có hệ thống cửa hàng ở nhiều tỉnh thành, như PNJ, Doji, SJC… đang gia tăng thị phần. Một số ước tính cho thấy, các doanh nghiệp lớn này nắm khoảng 30% thị phần.

Về thị phần, trong các năm trước, SJC đứng đầu về doanh thu. Tuy nhiên, gần đây, vị trí số 1 đã thuộc về PNJ. Về lợi nhuận, từ lâu PNJ đã chiếm vị trí số 1. Cụ thể, từ năm 2018, lợi nhuận của PNJ đã đạt gần 960 tỷ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của Doji và SJC cộng lại. Lợi nhuận Doji (công ty mẹ) và SJC chỉ vài chục tỷ đồng.

Thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường ghi lợi nhuận tăng trong bối cảnh giá vàng tăng, giá biến động mạnh và thị trường sôi động. Các doanh nghiệp vàng thường hưởng lợi từ chênh lệch giá mua - bán được kéo giãn rộng ra (lên tới 2-3 triệu đồng/lượng thời điểm sốt nóng) và doanh thu tăng.

Gần đây, Chính phủ liên tục yêu cầu các cơ quan chức năng, trong đó có Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an, tăng cường ổn định thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng tăng vọt, chênh lệch giá với thế giới rất lớn, từ 11-20 triệu đồng/lượng (vàng miếng SJC).

Sốt vàng đầu năm 2024, PNJ báo lãi gộp 22,6 tỷ mỗi ngày

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024. Theo đó, lũy kế doanh thu đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 2.723 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và tương đương 22,6 tỷ đồng/ngày.

Lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 7,6 tỷ đồng/ngày.

Như vậy, trong 4 tháng, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận do bà Cao Thị Ngọc Dung làm chủ tịch, tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng (+6,5%) cho dù mức nền trong cùng kỳ năm trước là rất cao.

Trong năm 2024, PNJ đặt kế hoạch doanh thu 37.148 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế là 2.089 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm, PNJ mở mới 7 cửa hàng và đóng cửa 4 cửa hàng khác, độ phủ mở rộng ra thêm 2 tỉnh, thành, nâng tổng sự hiện diện tại 57 trong tổng 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Tổng cộng doanh nghiệp này có 403 cửa hàng.

Có thể thấy, dù lượng cửa hàng mở thêm không nhiều nhưng doanh thu của PNJ tăng đột biến (tăng 33% so với cùng kỳ).

Doanh thu tăng vọt trong bối cảnh thị trường vàng trong nước sôi động, nhiều thời điểm sốt nóng trong 4 tháng đầu năm. Chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới có lúc lên tới 18-20 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá vàng nhẫn, vàng trang sức với thế giới cũng rất cao mỗi khi có đợt sốt. Chênh lệch giá mua vào - bán ra vàng miếng tại mỗi doanh nghiệp cũng rất lớn, có lúc lên tới 3 triệu đồng/lượng.

Thanh tra SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu kinh doanh vàng: Ai lỗ, lãi mạnh nhất?

PNJ không nêu rõ doanh thu mỗi loại, chỉ thông tin bán lẻ chiếm tới 58,1% tổng doanh thu. Doanh nghiệp của bà Dung cũng cho biết, doanh thu vàng 24K trong 4 tháng tăng tới gần 80% so với cùng kỳ “nhờ sự sôi động của thị trường này”.

Mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng chi phí bất ngờ tăng 29,3% so với cùng kỳ. Đây là lý do khiến cho lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của lợi nhuận gộp.

PNJ là một doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán và có nhiều cổ đông nước ngoài, do vậy các thông tin được cập nhập nhanh, đầy đủ và thường đáng tin cậy. Đây cũng là doanh nghiệp được biết đến có doanh thu cao và lợi nhuận cũng rất cao, trái ngược với các doanh nghiệp chưa niêm yết có doanh thu khổng lồ nhưng lợi nhuận mỏng.

Suốt một thập kỷ vừa qua, PNJ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, từ mức khoảng 150-200 tỷ đồng/năm lên gần 2.000 tỷ đồng như hiện tại.

Trong năm 2023, PNJ báo doanh thu giảm nhẹ trong năm giá vàng biến động, song lợi nhuận sau thuế tăng lên mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng.

Doji doanh thu khủng, lãi mỏng

Mặc dù là một doanh nghiệp có tăng trưởng vượt bậc về doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, áp đảo nhiều đối thủ nhưng Doji của ông Đỗ Minh Phú lại khá chậm chạp và ghi nhận lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các ông lớn khác như PNJ.

Hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc mang về cho Doji mỗi năm hàng chục, thậm chí cả trăm nghìn tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận lại rất mỏng.

Theo báo cáo mới nhất, năm 2023, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji ghi nhận mức lãi sau thuế đạt hơn 491 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 50% so với mức 1.017 tỷ đồng trong năm 2022, dù vẫn cao hơn rất nhiều so với mức gần 240 tỷ đồng trong năm 2021. Trong 2 năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế Doji lần lượt là 150 tỷ đồng và 187 tỷ đồng.

Doji ghi nhận lợi nhuận ở mức khá cao trong 2 năm vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường trái phiếu tê liệt, bất động sản trầm lắng, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm nhanh. Vàng là một lựa chọn của nhiều người.

Lợi nhuận giảm nhưng cũng đã giúp Doji ghi nhận vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2023 tăng gần 400 tỷ đồng so với cuối năm 2022, lên hơn 6.745 tỷ đồng. Nhưng tổng nợ phải trả của Doji tăng vọt so với cuối năm 2022 lên hơn 15.850 tỷ đồng.

Tới cuối năm 2023, Doji đã trả hết nợ trái phiếu. Trong giai đoạn 2020-2021, Doji từng phát hành nhiều lô trái phiếu trị giá vài nghìn tỷ đồng với lãi suất quanh ngưỡng 9-10%/năm. Trong đó, có nhiều lô đáo hạn năm 2026. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu "vỡ trận" sau sự kiện Tân Hoàng Minh, đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp xoay vốn mua lại trái phiếu trước hạn.

Độc quyền vàng miếng, SJC báo lợi nhuận siêu mỏng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và đây là thương hiệu trong vòng khoảng một năm qua có giá bán cao hơn 10-18 triệu đồng/lượng so với các nhãn khác. Tuy nhiên, ông lớn vàng Nhà nước này có kết quả kinh doanh không ấn tượng.

Trong năm 2022, theo báo cáo kiểm toán, SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) nhưng lợi nhuận chưa tới 49 tỷ đồng. Trong khi đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 1.811 tỷ đồng.

Kể từ cuối năm 2023, giá vàng trên thế giới, vàng miếng SJC và vàng nhẫn, vàng trang sức trong nước tăng mạnh lên các đỉnh cao mới. Gần đây, giá vàng nhẫn có lúc lên gần 80 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng miếng SJC lên cao nhất từ trước đến nay, thời điểm cao nhất vàng miếng SJC cán mốc 92,5 triệu đồng/lượng.

Bảo Tín Minh Châu nhiều năm bị lỗ

Cho dù khá nổi tiếng ở Hà Nội nhưng Bảo Tín Minh Châu (BTMC) gây bất ngờ với nhiều năm bị lỗ.

Theo Cafebiz, trong năm 2019, BTMC ghi nhận doanh thu đạt 531 tỷ đồng, trong nhiều năm trước đó, doanh thu chỉ khoảng 50% của năm 2019. BTCM lỗ trong giai đoạn từ 2016-2018. Trong năm 2019, doanh nghiệp này lãi 1,2 tỷ đồng.

Giá vàng thế giới được dự báo ở mức cao trong nửa cuối năm 2024, trong khi vàng SJC hiện vẫn quanh 90 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng tăng và sức cầu tăng mạnh là yếu tố được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh vàng như Doji, PNJ hay Bảo Tín Minh Châu… gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.

Mạnh Hà

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu kinh doanh vàng: Ai lỗ, lãi mạnh nhất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng quyền tự quyết cho doanh nghiệp Nhà nước từ 1/8
Điểm mới của dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật 68 là quyền tự quyết của doanh nghiệp Nhà nước được mở rộng. Các doanh nghiệp có thể chủ động về đầu tư, vay vốn, phân phối lợi nhuận, điều chỉnh vốn điều lệ mà không phải qua nhiều cấp duyệt.
Hệ thống tiêm chủng VNVC ký kết hợp tác với Nestlé Health Science
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa ký kết hợp tác với Nestlé Health Science thuộc Tập đoàn Nestlé toàn cầu, chung tay nâng cao kiến thức vì sức khỏe dinh dưỡng cho cộng đồng, kịp thời mang các giải pháp dinh dưỡng khoa học và chuyên biệt hóa ở mọi lứa tuổi từ khi chào đời đến khi về già cho người dân VN.
Động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới
Đó là nội dung quan trọng được đề cập tại các Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và về phát triển kinh tế tư nhân.
SeABankers Vì trẻ thơ - Một thập kỷ yêu thương khởi nguồn từ trái tim
“Hành động nhỏ hôm nay sẽ làm nên điều diệu kỳ cho thế hệ trẻ mai sau” là tinh thần xuyên suốt hành trình 10 năm của chương trình “SeABankers Vì trẻ thơ” - sáng kiến thiện nguyện đầy tính nhân văn do chính cán bộ nhân viên (CBNV) Ngân hàng SeABank khởi xướng và thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Tin mới

Khát vọng an cư giữa thị trường đầy biến động
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam liên tục biến động, tạo nên bức tranh nhiều sắc thái và không ít thách thức. Giữa lãi suất dao động, giá nhà lên xuống, chính sách thay đổi, vẫn luôn hiện hữu một khát vọng bền bỉ của người Việt: khát vọng an cư.
Xuất khẩu nông sản 2025: Mục tiêu 70 tỷ đô la Mỹ và những thách thức từ chất lượng đến thị trường
Nửa đầu năm 2025, nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Dù kinh tế thế giới còn nhiều biến động, ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam vẫn thắp lên kỳ vọng chinh phục mốc kỷ lục 70 tỷ USD trong năm nay.
Nhà giữa đảo, đảo giữa hoa: Hành trình cảm xúc tại Đảo châu Âu
Giữa miền đất Nghệ An, một hành trình châu Âu lãng mạn đang chờ đợi giới tinh hoa. Đảo châu Âu - phân khu kín đáo, cao cấp nhất tại Eco Central Park sẽ mang đến trải nghiệm sống đậm chất châu Âu với bốn cụm đảo hoa độc đáo, giúp cư dân thưởng thức phong cách sống thanh lịch, lãng mạn, duyên dáng.
Tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi các định hướng phát triển không còn dừng ở việc duy trì ổn định hay “đủ dùng”, mà hướng đến những mục tiêu táo bạo hơn: Tăng trưởng kinh tế hai con số trong một thế giới đầy biến động.