Phát triển nhà ở xã hội – Góc nhìn doanh nghiệp
Sáng 31/3, Văn phòng Tổng hội Xây dựng phía Nam kết hợp với Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo toàn quốc với chủ đề “Phát triển nhà ở xã hội - Góc nhìn doanh nghiệp”. Các chuyên gia, doanh nghiệp đã tham gia thảo luận làm sáng tỏ nhiều vấn đề để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển.
Hội thảo cũng là dịp để các Nhà lãnh đạo và Nhà quản lý ngành Xây dựng, các doanh nghiệp, Nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội trên cả nước, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến các chủ đề về nhà ở xã hội. Đồng thời đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trình bày giới thiệu các giải pháp công nghệ mới liên quan đến tiến trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Đề án Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đồng thời kiến nghị một số nội dung sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sản liên quan đến phát triển nhà ở xã hội.
Theo báo cáo, đến nay cả nước đã có 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với tổng diện tích đất hơn 1.983ha.
Đến nay cả nước hoàn thành đưa vào sử dụng 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích gần 8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.
Ông Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hội thảo nhận được hơn 30 tham luận có chất lượng theo 03 chủ đề được dư luận quan tâm gồm: Chính sách về nhà ở xã hội, các vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội và công nghệ xây dựng tiên tiến có thể áp dụng cho nhà ở xã hội.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách phát triển nhà ở xã hội của nước ta đang đặt nhà đầu tư nhà ở xã hội vào vị trí trung tâm, mà đáng ra phải đặt người có nhu cầu tiếp cận nhà ở xã hội vào trung tâm. Mọi trợ giúp của Nhà nước tới người được thụ hưởng nhà ở xã hội đều phải qua tay chủ các dự án đầu tư. Trong khi cũng có nhiều ý kiến cho rằng các chính sách ưu đãi hiện nay chỉ tập trung cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, chưa quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng cần phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội không giống như nhà ở thương mại. Nhà ở xã hội tức là sẽ không được đầu tư, xây dựng, phân phối hoàn toàn dựa trên cơ chế thị trường, mà sẽ tùy theo nhu cầu của từng địa phương cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước từng thời kỳ.
Nói về quỹ đất, ông Dũng cho biết, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chưa chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo... theo quy định của Luật Nhà ở. Thậm chí có địa phương chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội có được thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị.
Tuy nhiên, quỹ đất 20% thường bị hạn chế do chủ đầu tư hay trì hoãn hoặc bố trí quỹ đất này ở những vị trí khó giải phóng mặt bằng, hoặc nộp thay bằng tiền theo quy định.
Trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã “bắt buộc” địa phương phải bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội khi lập phê duyệt quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Đề xuất này đã cơ bản giải quyết được quỹ đất về phát triển nhà ở xã hội nhưng là vấn đề lâu dài, còn trước mắt cần xử lý chuyển tiếp các dự án chưa dành 20% quỹ đất nhà ở xã hội và chấp hành của địa phương khi phê duyệt quy hoạch còn bỏ ngỏ…
Cao Cường