0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 29/03/2023 07:08 (GMT+7)

Người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để “an cư lạc nghiệp”

Theo dõi KT&TD trên

Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ.

Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để “an cư lạc nghiệp” - Ảnh 1

Tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do Báo Người Lao Động tổ chức, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia chia sẻ, hiện nay mới chỉ đạt 62% kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2020. Không phải bây giờ mới làm nhà ở xã hội mà chúng ta đã có kinh nghiệm về chuyện này. Nhiều ngân hàng có chính sách cho vay để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, chương trình phục hồi và phát triển có 15.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội…

Thị trường nhà ở xã hội đã sôi động trở lại trong 2 năm qua, tuy nhiên cũng còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư, thị trường nhà ở xã hội gặp khó khăn, thách thức.

Đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận. "Nhà ở xã hội là câu chuyện từ thiện, rẻ mạt, có cũng như không. Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi"

Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi; quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu vừa thừa", giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn; nguồn vốn chưa bền vững; lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút.

Mặt khác, vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội; hoạt động thanh kiểm tra phức tạp; doanh nghiệp chưa đầu tư vào công nghệ; không biết, không dự báo được nhu cầu…

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP HCM
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP. HCM

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP. HCM, cho hay dự án 260 căn nhà ở xã hội được đưa vào vận hành tại TP Thủ Đức năm 2021 là dự án đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Phạm Đăng Hồ, có nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại thành phố, trong đó lĩnh vực này chịu tác động của 6 đạo luật. Trong khi đó, chính sách thì có nhưng các thông tư, hướng dẫn chi tiết nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.

Một thực tế hiện nay là dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán này xong mới được miễn. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội cũng khác nhau nên ảnh hưởng đến định hướng phát triển nhà ở xã hội.

Đại diện Sở Xây dựng TP cho hay trên cơ sở rà soát các vướng mắc, thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để rõ ràng các bước ở các cơ quan để thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành. Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai.

Trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP. HCM cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Đồng thời, cho phép thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại. Hiện nay cơ chế yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội nên dẫn tới nhà ở xã hội phân bố toàn địa bàn mà chưa gắn với quy hoạch. Thành phố xin cho quy hoạch nhà ở xã hội theo khu vực.

Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội chứ như hiện nay phải chỉ là đất ở như hiện nay.

Mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp

Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) chia sẻ tại hội thảo
Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP. HCM) chia sẻ tại hội thảo

Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP. HCM) chia sẻ anh sinh sống và làm việc tại thành phố đã 22 năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

"Việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn thật khó khăn. Tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống hiện tại, đặc biệt tại khó vì giá cả nhà ở cao hơn so với trước. Gần đây tôi có tìm hiểu để mua nhà nhưng thấy ngày càng khó"- anh Nhân bộc bạch.

Theo anh Nhân, nguồn cung của nhà ở xã hội rất ít so với nhà ở thương mại. Trong khi đó, thông tin tiếp cận đến nhà ở xã hội rất hạn chế. Bản thân tôi khi tiếp cận được đã là hàng thứ sang tay, chưa có giấy tờ, giá cả cao hơn. Hiện nay, nhà ở xã hội rẻ ngày càng xa so với nơi làm việc. Nhà ở xã hội ở nội ô hầu như không thấy nữa.

"Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Đây là nhu cầu cũng chính là giấc mơ cần hiện thực để tiếp tục lao động mưu sinh và đóng góp sức lao động tuổi trẻ vào cho TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung"- anh Nhân gửi gắm.

Mong được hỗ trợ lãi suất mua nhà ở xã hội

Chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM)
Chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM)

Chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội nhanh nhất. Hiện nay, mức lương của tôi 8 triệu đồng/tháng, không tăng ca, giá cả leo thang, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó. Nhà ở xã hội gắn liền với người lao động nhưng điều kiện ngày càng xa xôi. Tôi mong nguồn vay dễ tiếp cận, lãi suất rẻ hơn, thời gian trả kéo dài hơn. Công nhân mong muốn có được một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp và giảm nghèo cho TP. HCM.

Công nhân mong muốn mua căn hộ 45-50 m2, giá cả khoảng 1 tỉ đồng. Chúng tôi mong muốn trả trước 20% và giá trả mỗi tháng 3-4 triệu đồng.

Đề xuất 6 nhóm giải pháp, kiến nghị

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo
TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo

Cũng trong hội thảo, TS. Cấn Văn Lực đã Đề xuất 6 nhóm giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho Nhà ở xã hội.

Theo ông chia sẻ, đầu tiên là phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận. Phải coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội. Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản.

Thứ hai là cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý. "Tôi rất mong muốn Bộ Chính trị có một nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội".

Thứ ba là Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất.

Thứ tư là cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nhà ở xã hội.

Thứ năm là phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội. Và cuối cùng là ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội.

TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan,Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) chia sẻ, Các dự án nhà ở xã hội hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt ở những địa phương không còn nhiều quỹ đất như TP. HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ra đời nhằm nhanh chóng bổ sung nguồn nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân, mức độ cải thiện của vấn đề nhà ở xã hội vẫn chưa nhiều.

Bên cạnh một số khó khăn do vấn đề pháp lý chồng chéo, thủ tục hành chính chưa hỗ trợ, quy hoạch bất cập, còn có những yếu tố về kinh tế, thị trường và kinh doanh cản trở khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ phát triển nhà ở xã hội. Với lãi suất cho vay và chi phí xây dựng đang ở mức cao và khó hạ thấp trong năm nay và thậm chí trong năm 2024, các nhà phát triển tư nhân không cảm thấy được an toàn khi tiến hành xây dựng và kinh doanh nhà ở xã hội theo luật định.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, chương trình nhà ở xã hội cần có sự tham gia của chính quyền với tư cách một “bà đỡ” nhà ở xã hội - nhà phát triển để có thể nhanh chóng khắc phục khó khăn trong ngắn hạn và trung hạn. Cơ sở của nhận định này là khống chế mức lợi nhuận của chủ đầu tư ở mức 10% cho toàn bộ dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh lãi suất ngân hàng hiện nay, kết hợp với các khó khăn về tín nhiệm và niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ khiến nhà đầu tư không thể đạt mức lợi nhuận tối thiểu và thậm chí lỗ tiền để thực hiện dự án. Ngay cả trong trường hợp nhà đầu tư có thể cân đối dòng tiền dự án từ những dự án thương mại thì cũng sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn vì người mua khó có thể vay ngân hàng với mức lãi suất thuận lợi trong bối cảnh hiện nay.

Do đó, ít nhất trong giai đoạn khó khăn này, chính quyền cần tham gia xây dựng và cho thuê nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cấp thiết ở các địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Các quỹ đất công và quỹ đất 20% theo luật định của doanh nghiệp cam kết dùng cho việc phát triển nhà ở xã hội đều có thể được khai thác theo cách này. Doanh nghiệp có thể nộp tiền trong trường hợp quỹ đất của họ ở những vị trí quy hoạch không phù hợp cho phát triển nhà ở xã hội như phát triển biệt thự hay nhà phố.

Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia châu Âu, Trung Quốc, Singapore và Hong Kong SAR cho thấy thành công trong chính sách phát triển nhà ở xã hội đòi hỏi phải có sự tham gia của chính quyền vì đây không phải là hàng hóa thông thường. Nhà ở xã hội là một loại hàng hóa đặc biệt vì nhóm đối tượng sở hữu là những người gặp khó khăn về tài chính và được hưởng các chính sách ưu đãi. Sản phẩm nhà ở đáp ứng yêu cầu của nhóm này cần phải được cân nhắc kỹ ở khía cạnh quy hoạch cũng như thiết kế để tránh lãng phí.

Vì vây, chương trình cung ứng nhà ở xã hội thành công đòi hỏi chính quyền phải hỗ trợ nhiều hơn và thậm chí tham gia với tư cách là nhà phát triển ít nhất trong giai đoạn ban đầu. Bên cạnh đó, chính quyền cũng khuyến khích các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp tham gia phát triển và cung cấp nhà ở xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Các chương trình nhà ở xã hội đa dạng, có sự tham gia của nhiều thành phần và có sự hỗ trợ về tài chính tích cực và linh hoạt cho người dân sẽ góp phần tạo ra nguồn cung hiệu quả.

Tiến Hoàng

Bạn đang đọc bài viết Người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để “an cư lạc nghiệp”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thanh Trì (Hà Nội): Cần giải quyết dứt điểm đơn kiến nghị tại dự án Khu đấu giá quyền sử dụng đất
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đình Hòa trú tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) về việc bố ông là thương binh và được phân chia đất ở phía sau chùa Bé là 314m2 đất ở và một sào rưỡi đất ao thuộc diện tích đất ở từ năm 1954.
Phân khu Victoria: Giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và an nhiên
The Victoria, nơi dành cho ai đang muốn tìm kiếm không gian bình yên nhưng không tách biệt với nhịp sống sôi động. Nơi mà không gian sống được đo lường bằng tiêu chuẩn sang trọng nhưng vẫn giữ nguyên sự thoải mái. Đó cũng là nơi mà bất kỳ ai cũng tìm thấy sự đủ đầy trong từng căn hộ tiện nghi.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.