Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến
Trong tháng 4 năm 2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã ghi nhận sự sôi động đáng chú ý, với tổng giá trị phát hành mới ước đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Tăng 148% so với tháng trước
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 ghi nhận tới 33 đợt phát hành mới với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng ước đạt hơn 46,3 nghìn tỷ đồng - tăng 148% so với tháng trước và tăng 141% so với cùng kỳ, số liệu mới được thống kê bởi Chứng khoán MBS.
Đặc biệt trong đó, thị trường ghi nhận sự quay trở lại của nhóm ngành Bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt gần 12,5 nghìn tỷ đồng chiếm 17,1% tổng giá trị phát hành trong tháng. Trong khi đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi nhóm Ngân hàng đạt 32,6 nghìn tỷ đồng chiếm 73,2% tổng giá trị phát hành.
Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng 4 bao gồm: TCB (13,5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 36 tháng, lãi suất 5,1% - 5,2%), Tập đoàn Vingroup (9 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 38 tháng, lãi suất 12% - 12,5%), Vietinbank (6,5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 96 - 180 tháng, lãi suất 5,73% - 6,35%).

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 71,4 nghìn tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 4 tháng đầu năm ước khoảng 7,1%, thấp hơn mức trung bình 7,2% của năm 2024. Đáng chú ý trong 4 tháng năm 2025, hoạt động phát hành ra công chúng tăng trưởng mạnh khi ghi nhận 13 đợt phát hành mới với trị giá ước đạt khoảng hơn 27,1 nghìn tỷ đồng - tăng 154% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị phát hành của nhóm Bất động sản đạt gần 12,5 nghìn tỷ đồng - giảm 41% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,5%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu nhóm Bất động sản ở mức 11%/năm, kỳ hạn bình quân là 2.72 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Tập đoàn Vingroup (9 nghìn tỷ đồng), Công ty CP Tư vấn và Kinh doanh bất động sản TCO (3 nghìn tỷ đồng), và Công ty TNHH Oleco - NQ (490 tỷ đồng).
Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng tích cực trở lại. Trong tháng 4, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 12,1 nghìn tỷ đồng, tăng 21.4% so với tháng trước, và giảm 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm Bất động sản chiếm 28,5%, và Ngân hàng chiếm 53,3%.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4, khoảng gần 39,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn 15,5% so với cùng kỳ, phần lớn nhờ giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại của ngành bất động sản tăng 65,2% so với cùng kỳ.
Vốntăng ngàn tỷ
Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) công bố nghị quyết thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, OCB sẽ phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 8%, có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ nhận được 8 quyền. Mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành gần 1.973 tỷ đồng.
Nguồn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2024. Nếu hoàn thành đợt phát hành trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng thêm 1.973 tỷ đồng, từ 24.658 tỷ đồng lên hơn 26.630 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3, vốn điều lệ của OCB là 24.658 tỷ đồng, đứng thứ 15 trên bảng xếp hạng ngành ngân hàng về quy mô vốn điều lệ. Năm 2024, OCB đã tăng vốn điều lệ từ 20.548 tỷ đồng lên gần 24.658 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.
Vốn điều lệ tăng thêm, OCB sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay là 1.258 tỷ đồng và mua sắm xây dựng cơ sở vật chất 714 tỷ đồng.