Liên tiếp trúng thầu loạt dự án nghìn tỷ, năng lực Tập đoàn Đạt Phương ra sao?
Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương thời gian gần đây đã liên tục trúng những gói thầu xây lắp hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bức tranh tài chính của doanh nghiệp này lại cho thấy những điểm đáng quan ngại, khi hết Quý II/2023 doanh nghiệp có thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 4%, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng giảm gần 41% so với năm trước.
Trúng hàng loạt gói thầu hàng nghìn tỷ đồng
Mới đây, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (MCK: DPG) vừa công bố thông tin về việc trúng thầu một số dự án mới. Theo đó, Dự án Đạt phương mới trúng thầu là dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng. Tổng giá trị hợp đồng là 1.174 tỷ đồng.
Theo phương án được phê duyệt, cầu có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 2 km, quy mô 4 làn xe. Dự án được đầu tư nhằm kết nối các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Ninh Bình và Nam Định, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Dự án tiếp theo Đạt Phương trúng thầu là dự án Xây mới cầu Cửa Lấp 2 và sửa chữa tăng cường cầu Cửa Lấp cũ. Dự án xây dựng mới cầu Cửa Lấp 2 và nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba Lò Vôi đến cổng khu du lịch Thuỳ Dương huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Giá trị hợp đồng là 329,2 tỷ đồng.
Ngoài những gói thầu này, những năm gần đây Đạt Phương liên tiếp trúng hàng chục gói thầu với tổng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Năm 2022, với vai trò độc lập và liên danh; doanh nghiệp này đã trúng 5 gói thầu tổng trị giá 4.526 tỷ đồng, trong đó, nhiều gói chỉ tiết kiệm sát mức 0% so với giá dự toán; như gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) bao gồm: Bảo hiểm xây lắp; Đảm bảo giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải) phục vụ thi công; thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đạt Phương đã trúng thầu gói thầu nêu trên với vai trò liên danh phụ của Liên danh Tân Nam - Đạt Phương - 479 Hòa Bình. Giá dự toán gói thầu này là 2.088,5 tỷ đồng, giá trúng thầu được công bố cũng xấp xỉ 2.088,5 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 45 triệu (tương đương tỷ lệ 0,003%) ngân sách nhà nước.
Ngày 9/2/2023, Đạt Phương trong Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C (Tên viết tắt là: Liên danh Trung Nam E&C - Trung Chính - Đạt Phương - Trung Nam 18) đã trúng gói Gói thầu XL-02: xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913-Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) và đảm bảo ATGT thủy cầu Rạch Miễu 2 của chủ đầu tư và bên mời thầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Giá gói thầu là hơn 1.270,3 tỷ đồng. Giá dự thầu là 1.268,7 tỷ đồng. Và giá trúng thầu cũng là 1.268,7 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng thầu rất sát với giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm là không đáng kể.
Ngoài ra, Tập đoàn Đạt Phương cũng là một cái tên quen thuộc tại tỉnh Quảng Nam khi liên tiếp trúng nhiều gói thầu giá trị cao. Cụ thể, Tập đoàn Đạt Phương đã trúng 2 gói thầu với giá trị lớn tại Quảng Nam.
Gói thầu đầu tiên phải kể đến là gói thầu thi công xây dựng công trình và điều tiết bảo đảm giao thông thủy thuộc Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, TP. Hội An. Kết quả cho thấy Tập đoàn Đạt Phương đã trúng thầu với giá 173,816 tỷ đồng và thời gian thực hiện hợp đồng 120 ngày.
Tiếp theo là gói thầu Thi công xây dựng công trình của dự án cầu Văn Ly và đường dẫn. Tập đoàn Đạt Phương trúng thầu với giá 467,135 tỷ đồng và thời gian thực hiện hợp đồng 900 ngày.
Ngoài ra, Đạt Phương còn trúng thầu các gói thầu như: Gói HA W3-1 Nạo vét sông Cổ Cò (273 tỷ đồng); Gói thầu Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An (275 tỷ đồng); Đường và cầu ĐH7 qua sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn (147 tỷ đồng); Gói thầu xây lắp 01 thuộc dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi Cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (509 tỷ đồng); Thi công xây lắp đoạn 2 thuộc Dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (621 tỷ đồng).
Không chỉ là đơn vị trúng nhiều gói thầu tại Quảng Nam, Tập đoàn Đạt Phương còn được biết đến với các dự án liên quan đến hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) tại tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, năm 2016, Công ty cổ phần Đạt Phương trúng dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Km0+317 (cầu Đế Võng) trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại - TP. Hội An theo hình thức xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT). Thời điểm đó, tỉnh Quảng Nam thống nhất giao lại cho nhà đầu tư quỹ đất thanh toán gồm 5 dự án với tổng diện tích khoảng hơn 251ha.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Đế Vọng tại Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 391 tỷ đồng. Dự án này được Công ty cổ phần Đạt Phương thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành năm 2018. Đổi lại, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho doanh nghiệp quỹ đất thanh toán, gồm 5 dự án: Khu đô thị Võng Nhi, Khu đô thị Đồng Nà (Bến Trễ), Khu đô thị Cồn Tiến (nằm tại TP. Hội An); Khu đô thị Nồi Rang (huyện Duy Xuyên) và Khu đô thị ven biển Bình Dương (huyện Thăng Bình) với tổng diện tích khoảng hơn 251ha.
Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án cầu Đế Võng trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại chỉ còn 4 dự án với tổng diện tích khoảng 67,51ha, gồm: Khu đô thị Võng Nhi, Khu đô thị Đồng Nà (Bến Trễ), Khu đô thị Cồn Tiến, Khu đô thị Nồi Rang.
Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp này còn có nhà máy Thuỷ điện Sông Bung 6. Công trình này nằm trên địa phận 2 huyện miền núi Quảng Nam là Đông Giang và Tây Giang với công suất lắp máy 29MW.
Doanh thu, lợi nhuận "tụt dốc", nợ phải trả chiếm hơn 60% nguồn vốn
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Đạt Phương thành lập 2002, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và đầu tư năng lượng. Chủ tịch HĐQT là ông Lương Minh Tuấn.
Ban đầu tên gọi tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng và vận tải Đạt Phương, với số vốn điều lệ là 2,2 tỷ đồng. Đến năm 2005, công ty này đổi tên thành Công ty cổ phần Đạt Phương và chính thức chuyển tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương vào tháng 12/2021. Vốn điều lệ của công ty là 629.995.540.000 đồng.
Đến nay, HĐQT của Tập đoàn Đạt Phường gồm có 6 thành viên là: Ông Lương Minh Tuấn (Chủ tịch HĐQT); ông Phạm Kim Châu (Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc); ông Trần Anh Tuấn (Tổng giám đốc); ông Đặng Hoàng Huy; ông Đỗ Xuân Diện; bà Lê Thị Thu Trang.
Theo tìm hiểu, hệ sinh thái của Tập đoàn Đạt Phường đa dạng với các công ty con hoạt động kinh doanh khác nhau. Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh này là: Xây dựng các công trình dân dụng, giao thông thuỷ lợi; sản xuất và kinh doanh điện năng; kinh doanh bất động sản; sản xuất và kinh doanh điện mặt trời áp mái.
Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 1 có vốn điều lệ là 30.000.000.000 đồng. Trong đó, Tập đoàn Đạt Phương đã góp vốn vào Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 1 với số tiền là 21.000.000.000 đồng, tương đương với 2.100.000 cổ phiếu (tỷ lệ vốn góp 70%);
Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 2 (tên cũ là Công ty TNHH MTV Đạt Phương Sài Gòn) có vốn điều lệ là 30.000.000.000 đồng. Tập đoàn Đạt Phương góp vốn vào Công ty cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 2 với số tiền là 21.000.000.000 đồng, tương ứng 2.100.000 cổ phiếu (tỷ lệ vốn góp 70%).
Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sông Bung có vốn điều lệ là 190.000.000.000 đồng. Tập đoàn này góp vốn vào Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sống Bung với số tiền là 116.508.000.000 đồ, tương ứng với 11.650.800 cổ phiếu (tỷ lệ vốn góp 61,32%).
Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà có vốn điều lệ là 562.000.000.000 đồng. Công ty đã góp vốn vào Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà số tiền là 383.850.000.000 đồng, tương ứng với 38.385.000 cổ phiếu (chiếm 68,30% vốn điều lệ).
Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An có vốn điều lệ là 171.000.000.000 đồng. Tập đoàn góp vốn vào Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An số tiền là 152.000.000.000 đồng, tương ứng với 15.200.000 cổ phiếu (chiếm 88,89% vốn điều lệ)
Cuối cùng, Công ty TNHH Thực phẩm Bee có vốn điều lệ là 25.000.000.000 đồng và Công ty TNHH Fukunana có vốn điều lệ là 7.000.000.000 đồng đều do Tập đoàn Đạt phương sở hữu 100% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Tập đoàn này còn đang nắm giữ 75.900 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cầu Đồng Nai, tương đương 0,12% vốn điều lệ.
Về tình hình kinh doanh, liên tục trúng thầu lớn tuy nhiên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nửa đầu năm 2023 cho thấy tình hình không mấy khả quan. Theo đó, kết quả sản xuất và kinh doanh trong quý II/2023 giảm sút so với cùng kỳ năm trước, tổng nợ phải trả chiếm tới 62,7% nguồn vốn nhưng Tập đoàn Đạt Phương là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ làm dự án “khủng” trị giá hơn 1.175 tỷ đồng trên và đã trúng thầu.
Kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần của công ty giảm sút, về còn 768,5 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu của DPG đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng khi thu về 624 tỷ đồng, chiếm 81,2% tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý, doanh thu lĩnh vực xây lắp dẫn đầu phù hợp với việc doanh nghiệp đã trúng hàng loạt các gói thầu nghìn tỷ về hợp đồng xây dựng.
Giá vốn bán hàng trong kỳ tăng 9,1% đã khiến cho lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 121,5 tỷ đồng, tương đương mức giảm 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 14%, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 42,9% và 11,7%. Kết quả trong quý II/2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này giảm xuống còn 86,4 tỷ đồng, tương đương mức giảm 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý II/2023, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 54,2 tỷ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán niên năm 2023, CTCP Tập đoàn Đạt Phương đạt doanh thu thuần là 1.158 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 51,7%, chỉ đạt 137 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/6/2023, Đạt Phương có tổng cộng tài sản đạt 6.020 tỷ đồng, giảm 1,92% không có quá nhiều biến động so với hồi đầu năm. Ngược lại, tổng nợ phải trả của Đạt Phương tính tới thời điểm 30/6/2023 đang ở mức 3.776 tỷ đồng, chiếm 62,7% cơ cấu nguồn vốn của công ty.
Phần lớn trong tổng nợ phải trả của DPG là nợ vay tài chính với 2.586 tỷ đồng, trong đó 998 tỷ đồng là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, 1.588 tỷ đồng nợ vay và thuê tài chính dài hạn.
Trong các Ngân hàng mà Đạt Phương có quan hệ tín dụng; VietinBank đang là “chủ nợ” lớn nhất của DPG khi cho vay tổng cộng 1.786 tỷ đồng, con số này chiếm 47,2% tổng nợ phải trả của Đạt Phương tính tới thời điểm 30/6/2023. Trong đó, có 451,7 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 1.334 tỷ đồng vay dài hạn
Về khoản vay ngắn hạn, tính tới thời điểm ngày 30/6/2023, Đạt Phương ghi nhận khoản vay trị giá 451,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Thăng Long, chiếm tới 45,2% tổng nợ tài chính ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp vay nợ dài hạn tại Vietinbank - Chi nhánh 12 Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền hơn 1.075 tỷ đồng để thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy thuỷ điện Sơn Trà 1A và 1B với lãi suất thả nổi. Khoản vay dài hạn nữa tại Vietinbank - Chi nhánh Nam Thăng Long số tiền 258,6 tỷ đồng để thanh toán các khoản chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà.
Hồng Quang