Lãng phí tài nguyên đất đai, góc nhìn từ dự án Khu đô thị Hồng Vũ Sông Công chậm tiến độ
Sau hơn 10 năm triển khai, Khu đô thị Hồng Vũ do Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên làm chủ đầu tư đang trong tình trạng chậm tiến độ, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện.
Ngày 9/3, phát biểu tại Tọa đàm Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam Tọa đàm, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi Trường cho biết, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.
"Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?", PGS.TS Trương Mạnh Tiến đặt vấn đề.
Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn có rất nhiều dự án "ôm đất" hàng thập kỷ, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Dự án được kỳ vọng
Hiện nay trên địa bàn thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) đang triển khai, quản lý 60 dự án vốn ngoài ngân sách, chủ yếu là các dự án khu đô thị, khu dân cư, đường giao thông… Một số dự án đang triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, tạm dừng thi công như: Khu đô thị Vạn Phúc, Khu đô thị Hồng Vũ…
Là dự án nằm trong khu lõi đô thị của thành phố Sông Công, dự án Khu đô thị Hồng Vũ (KĐT Hồng Vũ - PV) được kì vọng sẽ khai thác tối đa quỹ đất đô thị cũng như tăng cường năng lực quản lý đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, KĐT Hồng Vũ đang trong tình trạng chậm tiến độ, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Dự án KĐT Hồng Vũ (giai đoạn 1) thuộc phường Thắng Lợi được triển khai năm 2013, do Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên làm chủ đầu tư, với quy mô 19,7ha, đang trong tình trạng “ì ạch” nhiều năm nay. Đến năm 2017, tiến độ thực hiện Dự án KĐT Hồng Vũ đã hết, song từ đó đến nay dự án vẫn “đắp chiếu” chờ ngày hoàn thiện.
Việc dự án kéo dài nhiều năm kéo theo ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng dự án, như: Không thể xây dựng, sửa chữa nhà ở, đầu tư sản xuất vì vướng quy hoạch; việc thi công các hạng mục của dự án còn dang dở gây ngập úng, ô nhiễm môi trường... Từ đó làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai và hiệu quả đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân.
Chị D.T.H, người dân phường Thắng Lợi, TP.Sông Công cho rằng: “Không có chỗ chứa nước nó sẽ ngập lụt cục bộ là chuyện đương nhiên, trước đây khu này là khu chứa nước như bây giờ trở thành khu đất nền, chỉ có một cái cống bé nên mưa là sẽ ngập. Như hôm nay chúng tôi vừa phải đi vớt rác cho Hồng Vũ xong, mưa cái là bị tắc, thành phố lại vừa yêu cầu công ty đi vớt rác.
Trước kia nước chỉ chảy đến đây là thôi vì đây là khu chứa nước nhưng bây giờ nước phải chảy vòng một đoạt xa đến chỗ chứa xong lại bị chặn lại. Chỉ mong dự án sớm hoàn thành để không còn cảnh ngập úng, chúng tôi phải đi vớt rác hàng ngày vì tắc cống nữa...”, chị H, bày tỏ mong muốn.
Trao đổi với PV, ông Dương Như Hội – Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết: “Dự án KĐT Hồng Vũ đã chậm tiến độ trong nhiều năm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, nhất là những hộ nằm trong vùng quy hoạch. Nhiều hộ nhà cửa xuống cấp mà không thể xây sửa vì vướng quy hoạch.
Cái khó khăn thứ hai là về vấn đề mương nước canh tác của người dân, trước kia khi chưa có dự án, người dân có mương thủy lợi riêng để canh tác nông nghiệp, từ khi có dự án về thì phải lấp mương để thay thế. Nhưng đến nay dự án hết hạn đang phải dùng mương tạm, đắp đập để có nước cho bà con canh tác. Mỗi lần đến mùa vụ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp của bà con.
Khó khăn thứ ba về môi trường chưa được kết nối các hệ thống nước thải dẫn đến tình trạng gây ứ đọng, nhất là trong những ngày mưa lớn gây ảnh hưởng đến môi trường.
"Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án, nếu như không tiếp tục dự án thì sớm có phương án hoàn trả để không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Đề nghị chủ đầu tư quan tâm, kết nối hạ tầng tại các khu dân cư để người dân sinh hoạt thuận lợi hơn. Xây dựng đúng thiết kế với tuyến mương thủy lợi để người dân yên tâm sản xuất, canh tác", ông Dương Như Hội – Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi đề nghị.
Mong muốn sớm được gia hạn để hoàn thành dự án
Tại buổi làm việc với Phóng viên Kinh tế Môi trường, ông Vũ Đức Hoàn – Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên cho biết, những thắc mắc của các hộ dân bị ảnh hưởng là có cơ sở.
Tuy nhiên, công ty đang gặp phải những vướng mắc về việc gia hạn dự án nên chưa hoàn thành được các hạng mục. Từ năm 2019 đến nay, Công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư nhưng chưa được chấp thuận.
Mới đây nhất, Công ty TNHH đầu tư Thái Nguyên có văn số 28/CV – CT ngày 14/4/2023 đề nghị gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư đến hết quý II năm 2025.
Giải trình việc đáp ứng các điều kiện gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại Khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư và Khoản 4 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP: Tiến độ thực hiện dự án theo Quyết định số 403/QD-UBND Ngày 12/02/2015 của UBND Tỉnh Thái Nguyên đến hết năm 2017.
Tuy nhiên Chủ đầu tư đề nghị xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án với các lý do sau: Do ảnh hưởng của giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19 kéo dài dẫn đến ngừng chệ các hoạt động của dự án. Việc thực hiện công tác kiểm định dự án kéo dài từ 2019 đến 2022 mới hoàn thành do hành lang pháp lý để thực hiện kiểm định dự án chưa được Nhà nước quy định cụ thể, gây rất nhiều khó khăn, chậm cho công tác thực hiện.
Công tác bồi thường GPMB và giao đất, giao mặt bằng thi công cho Chủ đầu tư thực hiện đầu tư dự án sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại trên dự án vẫn còn một số thửa đất đang bồi thường GPMB còn đang dở dang do dự án hết hạn tiến độ nên chưa thể hoàn thiện bồi thường GPMB và giao đất cho Chủ đầu tư thực hiện thi công các hạ tầng đấu nối cần thiết.
Công tác thanh quyết toán dự án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn gặp nhiều vướng mắc và cần thời gian để phối hợp giải quyết triệt để.
Dự án đã được giao đất, phê duyệt giá đất, phương án tài chính và hoàn toàn phù hợp với chương trình phát triển nhà ở theo nghị quyết số 20/NQ-HDND ngày 19/5/2021 của hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyễn giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.
“Hiện nay, khi dự án chưa được gia hạn công ty không thể thực hiện được vì làm sẽ vi phạm vào một số quy định. Mới đây, UBND tỉnh cũng có công văn số 2525 về việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Công ty mong muốn được tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải, được gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư để có thể thực hiện được những hạng mục còn dang dở”, ông Hoàn nói.
Công văn số 2525 của UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ các quy định của pháp luật: Rà soát, đôn đốc, tham mưu UBND tỉnh gia hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các trường hợp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã quá thời hạn do nguyên nhân khách quan theo Luật Đầu tư, hoàn thành trước 30/6/2023.
Rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bản; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vương mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, tổng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/6/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế cho thấy, các dự án chậm tiến độ đã phát sinh ra những hệ lụy, trở thành rào cản, điểm nghẽn gây cản trợ sự phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất, thiệt hại đối với nhà nước, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
PGS. TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho rằng, việc dự án chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân cũng như tốn kém về mặt kinh tế. Tồn đọng rác với khối lượng lớn sẽ gây ô nhiễm môi trường, cả đất, cả nước và không khí. Cũng vì ô nhiễm môi trường dẫn đến người dân bức xúc dẫn đến tác động làm lộn xộn trong xã hội. Nếu để ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Nguyên Mạnh - Hải Tuyết