Lãi suất 10-15%/năm, kênh trái phiếu vẫn chưa thể 'hút' nhà đầu tư
Dù lãi suất TPDN đang cao hơn đáng kể so với lãi suất gửi tiết kiệm, nhưng thị trường TPDN vẫn chưa sôi động trở lại trong 2 tháng đầu năm 2024, từ cả phía doanh nghiệp phát hành lẫn phía nhà đầu tư.
Lãi suất trái phiếu cao đáng kể so với lãi suất tiết kiệm
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 29/2/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 5.465 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng giá trị phát hành và 5 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 2.815 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng số giá trị phát hành.
Từ đầu năm đến nay, Xây dựng-Vật liệu xây dựng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 5,8 nghìn tỷ, (cùng kỳ năm trước phát hành 110 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 62% so với tổng giá trị. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu XD-VLXD là 10,6%/năm, kỳ hạn bình quân 8.8 năm.
Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (2,8 nghìn tỷ đồng), Tổng CT Đầu tư và Phát triển công nghiệp (1,3 nghìn tỷ đồng), CT TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận (1.2 nghìn tỷ đồng).
Xếp sau là nhóm ngành Bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 2.6 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 28%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản vẫn là 14%/năm, kỳ hạn bình quân là 3 năm. Tổng giá trị phát hành thuộc về 2 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu ra công chúng gồm có: CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (650 tỷ đồng) và Tập đoàn Vingroup – CTCP (2 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, mức lãi suất trái phiếu hiện tại mà các doanh nghiệp phát hành đưa ra vẫn khá hấp dẫn, thậm chí mang lại lợi nhuận gấp đôi lãi tiền gửi ngân hàng.
Thị trường TPDN vẫn chưa sôi động trở lại
Dù mang lại lợi nhuận khá cao nhưng thị trường TPDN vẫn chưa sôi động trở lại trong 2 tháng đầu năm 2024, từ cả phía doanh nghiệp phát hành lẫn phía nhà đầu tư.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm thị trường chững lại, phát hành TPDN trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tốt hơn nhưng khối lượng phát hành TPDN vẫn rất nhỏ nếu so với giai đoạn năm 2021 và năm 2022.
Trong tháng 1/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên thị trường thứ cấp đạt 74.500 tỷ đồng, giảm gần 25% so với tháng 12/2023. Trong khi đó, trái phiếu ra công chúng đạt tổng giá trị giao dịch 9.000 tỷ đồng, duy trì ở mức khá ổn định.
Thời kỳ 2019-2021, thị trường TPDN sôi động là nhờ sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư tư nhân (nắm giữ trên 30% khối lượng TPDN riêng lẻ chào bán trên thị trường). Tuy nhiên, trong hơn hai năm qua, cơ cấu nhà đầu tư TPDN đã thay đổi rất mạnh, nhà đầu tư cá nhân sụt giảm mạnh về chỉ còn 7% (năm 2023).
Dù niềm tin của nhà đầu tư đã phần nào phục hồi từ cuối năm 2023, những quy định còn lại của Nghị định 65 đã có hiệu lực khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân bị loại khỏi sân chơi TPDN trong khi những người chơi lớn như các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư,… vẫn còn e ngại tham gia thị trường. Trong khi đó, hành lang chính sách lại chưa mở kịp thời để khuyến khích các tay chơi lớn. Đây là nguyên nhân khiến thị trường TPDN vẫn đìu hiu.
Song song với đó, áp lực đáo hạn TPDN vẫn còn rất lớn trong năm 2024. Nhiều tổ chức phát hành có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán trong khi một số tổ chức phát hành được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã ảnh hưởng không nhỏ lên niềm tin vốn đang mong manh của nhiều nhà đầu tư.
Cần loạt giải pháp cải thiện sức cầu
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm nay, mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN. Trong bối cảnh thị trường đang được thanh lọc mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp phát hành đã khẳng định được uy tín của mình, niềm tin của nhà đầu tư cũng dần được phục hồi. Tuy vậy, thị trường TPDN sẽ phục hồi theo hình chữ U chứ không phải hình chữ V.
Từ đầu năm nay, việc thực hiện đầy đủ Nghị định 65/2022/NĐ-CP có thể gây khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm có điều kiện. Năm 2024 vì vậy cũng là năm kiểm chứng cho việc thích nghi của các chủ thể tham gia thị trường. Nhiều khả năng, thị trường TPDN năm nay vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm, song sẽ dần hồi phục nửa cuối năm.
Nếu doanh nghiệp thích nghi, đáp ứng tốt các yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, thị trường sẽ tăng trưởng một cách lành mạnh, hiệu quả, hạn chế đáng kể các rủi ro phát sinh trong tương lai.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững, FiinRatings cho rằng vấn đề lớn nhất của thị trường TPDN hiện nay là thiếu sức cầu. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp phát hành chất lượng tốt cũng khó phát hành thành công trái phiếu.
Trong bối cảnh này, đưa ra các giải pháp cải thiện sức cầu là vô cùng cần thiết. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc siết lại điều kiện tham gia thị trường TPDN của nhà đầu tư cá nhân, cần có giải pháp mở rộng cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tổ chức.
Hiện nay, bên mua TPDN trên thị trường chủ yếu là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán. Các định chế tổ chức, bao gồm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư trái phiếu tham gia đầu tư TPDN, còn rất hạn chế. Hiện có nhiều quy định đang hạn chế các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư rót tiền vào TPDN. Nếu có giải pháp để các tổ chức này đầu tư vào TPDN, hàng chục tỷ USD sẽ được giải phóng và thị trường TPDN có thể sẽ có sự đột phá về thanh khoản.
Trong báo cáo mới "Góc nhìn Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp", VIS Rating kỳ vọng, nhu cầu phát hành để bổ sung vốn của nhóm ngân hàng và các công ty bất động sản sẽ dẫn dắt phát hành trái phiếu mới hồi phục trong năm 2024.
"Chúng tôi kỳ vọng môi trường kinh doanh cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu mở rộng và nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường TPDN bước vào chu kỳ phát triển mới", VIS Rating đánh giá.
Trung Anh